Tác giả :

1. Nhân tố thúc đẩy cải cách chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ASEAN


Những nhân tố chính đóng góp vào sự chuyển đổi chính sách phát triển nguồn nhân lực ASEAN, trong đó đặc biệt chú ý tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lực lượng lao động trẻ, đó là:

Thứ nhất, tình trạng thất nghiệp ở ASEAN tăng mạnh sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 buộc Chính phủ các nước ASEAN phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực theo hướng tạo điều kiện cho những lao động không có việc làm có cơ hội tìm việc. Muốn vậy, phải mở rộng các hình thức và cơ hội đào tạo và đào tạo lại cho lao động. Chẳng hạn, Chính phủ In-đô-nê-xi-a  hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước và thành lập Tổ chức phối hợp đào tạo nghề (VTCI - Vocaltional Training Cooperation Institution) và Hệ thống đào tạo nghề quốc gia (NVTS - National Vocational Training System);

Thứ hai, khi các nước trong khối ASEAN đạt được tốc độ tăng trưởng trở lại sau tác động của cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu đã nhận thấy cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế đầy biến động. Trong khi đó, thị trường lao động lại thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy các quốc gia đều chú ý thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu đang tăng lên này. Trong kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ 8 (năm 2000) của Ma-lai-xi-a, Chính phủ nước này thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm chuẩn bị nguồn lực cho xã hội trong tương lai. Trong “Kế hoạch nguồn nhân lực thế kỷ XXI” (Manpower 21 Plan) của Xin-ga-po năm 1999, Chính phủ Xin-ga-po đã xem chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện rất quan trọng bảo đảm nâng cao khả năng làm việc lâu dài của người lao động;



Thứ ba, trong một thế giới đầy biến động, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực trẻ vẫn chưa đáp ứng đuợc nhu cầu thực tiễn. Do đó, công tác bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trẻ là một thách thức lớn và cũng là nhu cầu bức thiết của Chính phủ mỗi nước thành viên trong ASEAN. Chính sách đào tạo nghề chuyên môn ở ASEAN được tập trung chú ý cho giới lao động trẻ, bởi vì: Một là, phần lớn lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động đều di cư từ nông thôn ra thành thị. Vì vậy, cần phải đào tạo nghề chuyên môn cho họ; Hai là, mặc dù kinh tế phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, song, nguồn nhân lực trẻ hiện chưa có kỹ năng, chuyên môn phù hợp do một mặt doanh nghiệp muốn nguồn nhân lực có chuyên môn song lao động trẻ chưa qua đào tạo không đáp ứng được, mặt khác, một số lao động trẻ được đào tạo nhưng chuyên môn không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

2. Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ASEAN

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ASEAN tập trung vào những chính sách cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Những giải pháp phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia có thể có những điểm khác nhau. Song, vấn đề cơ bản nhất mà hầu như tất cả các nước thuộc ASEAN đều dành sự quan tâm đặc biệt trong chính sách phát triển nguồn nhân lực là phát triển giáo dục, đào tạo.

Phát triển nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao mức sống, về cơ bản được tiến hành thông qua giáo dục, đào tạo. Điều này lại càng cấp thiết trong điều kiện thị trường lao động giảm sút do tác động của khủng hoảng kinh tế. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngoài việc nâng cao thể chất, về thực chất là phát triển giáo dục, đào tạo, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Muốn phát triển nền kinh tế tri thức cần đầu tư cho phát triển con người mà cốt lõi là phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đầu tư phát triển nhân tài. Nhà kinh tế học người Mỹ, ông Ga-ri Béc-cơ (Gary Becker) - người được Giải thưởng Nô-ben về kinh tế năm 1992, đã khẳng định: “không có đầu tư nào mang lại nguồn lợi lớn như đầu tư cho giáo dục”(1). Nhờ có sự đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực mà nhiều nước chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng trở thành nước công nghiệp phát triển.

Giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn bó chặt chẽ với nhau. Có thể nói, giáo dục, đào tạo là một trong những giải pháp cơ bản nhất để tạo chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực cũng trở thành mục tiêu hàng đầu của giáo dục, đào tạo.

Hội nghị phát triển nguồn nhân lực ASEAN lần thứ 3 (năm 2012) là một trong những bước đi quan trọng để triển khai định hướng của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN về phát triển nguồn nhân lực. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng cần phải có những biện pháp trung và dài hạn nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động thông qua việc làm cho giáo dục và đào tạo phù hợp hơn và có chất lượng hơn. Các nước thuộc ASEAN cùng nhau đưa ra các giải pháp để xây dựng một lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Trong khu vực ASEAN, ngân sách dành chi cho giáo dục của Xin-ga-po luôn đạt mức cao nhất nhì thế giới. Chi tiêu của Chính phủ Xin-ga-po cho phát triển giáo dục và đào tạo liên tục tăng từ 2,8% GDP (năm 1980) lên 4,1% GDP (năm 1990) và hiện lên đến gần 10% GDP (năm 2012) là minh chứng cho sự quan tâm của Chính phủ Xin-ga-po đối với phát triển nguồn nhân lực.

Chính sách giáo dục nhằm tạo lập nguồn nhân lực chất lượng cao cho Xin-ga-po được thể hiện ở những điểm chính sau: Chính phủ Xin-ga-po giữ vai trò dẫn dắt chủ đạo trong phát triển giáo dục và đào tạo. Nhà nước chỉ đầu tư vào rất ít trường công lập để tạo mô hình điểm có chất lượng cao và thực hiện chính sách tín dụng thích hợp để thu hút đào tạo nhân tài. Đối với khối ngoài công lập, Chính phủ tạo điều kiện để phát triển, khuyến khích việc liên thông, liên kết với nước ngoài, mời gọi các đại học quốc tế đặt chi nhánh... Quan điểm về giáo dục đã được Chính phủ ủng hộ trên nhiều phương diện: ưu tiên ngân sách, trường học mở rộng cửa cho tất cả mọi người có điều kiện học tập, đào tạo toàn diện có kết hợp giữa khoa học - kỹ thuật với nền văn hóa truyền thống. Các trường đại học công do Nhà nước tài trợ kinh phí. Sự phát triển kinh tế đòi hỏi Xin-ga-po phải nhanh chóng có nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là đội ngũ các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, tuy là một quốc gia nhỏ, ít dân (khoảng 5,2 triệu dân năm 2012) nhưng Xin-ga-po có mạng lưới dày đặc các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Trong số đó có trường Đại học Tổng hợp quốc gia (NUS) rất nổi tiếng với 52 ngành, Đại học Công nghệ Nanyang, Học viện Sư phạm quốc gia và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - thành lập từ năm 1986 và là một cơ quan nghiên cứu rất đáng chú ý.

Điểm đặc biệt trong chính sách đào tạo của Xin-ga-po là chú trọng đào tạo nhân lực khoa học - kỹ thuật. Chính phủ đã thành lập Ủy ban thuộc Bộ Nhân lực có nhiệm vụ hoạch định kế hoạch và triển khai thực hiện bảo đảm cho Xin-ga-po không bị thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật (trường hợp đã xảy ra ở các nước đang phát triển khác) và cũng bảo đảm cung cấp nhân lực linh hoạt (nhân lực được đào tạo về kỹ thuật có thể dễ dàng chuyển đổi sang công việc phi kỹ thuật hơn là trong trường hợp ngược lại).

Ma-lai-xi-a cũng là nước sớm có tư duy xem giáo dục đại học là một ngành công nghiệp quan trọng và có những chính sách tốt để phát triển giáo dục đại học rất đáng học hỏi. Một mặt, Ma-lai-xi-a tập trung đầu tư mạnh cho một số trường đại học công lập lớn để nhanh chóng trở thành lá cờ đầu, sánh vai với các trường đại học có danh tiếng trên thế giới nhằm tạo thương hiệu cho giáo dục đại học của đất nước, mặt khác, Ma-lai-xi-a tìm mọi cách để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư (cá nhân hoặc tập đoàn) tham gia vào giáo dục, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một cơ sở pháp lý phù hợp và ổn định để thừa nhận quyền sở hữu và quản lý tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư.

Việc Ma-lai-xi-a tiến hành song song cả hai chính sách nói trên có tác dụng vừa thu hút nguồn lực của xã hội để mở rộng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân trong nước, lại vừa tập trung nguồn lực công để xây dựng thành công các đại học công lập hàng đầu, hoặc tài trợ cho khu vực tư nhân để thực hiện những mục tiêu công ích. Kết quả là nước này đã rất thành công trong việc tự biến mình thành một trung tâm giáo dục đại học của khu vực, thu hút được nhiều cơ sở giáo dục có uy tín của các nước có nền giáo dục đại học phát triển như Anh, Mỹ, Úc đến Ma-lai-xi-a qua các chương trình liên kết và thu hút được khá đông sinh viên quốc tế đến học.

Một đặc điểm đáng lưu ý là Ma-lai-xi-a công khai thừa nhận vai trò của các cơ sở giáo dục tư thục vì lợi nhuận, và trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường đại học tư của Ma-lai-xi-a đều là trường vì lợi nhuận.

Nâng cao chất lượng đã và đang trở thành mục tiêu theo đuổi của hệ thống giáo dục ở Thái Lan. Chính phủ Thái Lan cam kết bảo đảm tiếp cận bình đẳng với giáo dục suốt đời, đào tạo cho tất cả các công dân Thái Lan để có được kỹ năng sống cơ bản cần thiết.

Để phát triển nền kinh tế, các quốc gia thuộc ASEAN chú trọng tới chính sách thu hút nhân tài và nâng cao trình độ tay nghề lực lượng lao động. Chính sách phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu được chú trọng ở ASEAN(2).

Thứ hai, chính sách thu hút nhân tài rất rõ ràng và bài bản. Xin-ga-po được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Chính sách thu hút nhân tài nước ngoài của nước này có nhiều điểm khá giống Mỹ. Cả hai nước đều đặt ra mục tiêu thu hút nhân tài trước, sau đó mới tiến hành phân công công việc cụ thể. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngay từ khi mới lên cầm quyền, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xác định rõ nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Xin-ga-po.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Xin-ga-po thành lập Ủy ban Tuyển dụng tài năng. Các nhà lãnh đạo Xin-ga-po xác định rõ nhân tài “ngoại” không chỉ là “nguồn vốn đặc biệt” về kinh tế, mà họ còn là “động lực mạnh mẽ cho quốc gia này phấn đấu liên tục vì những chuẩn cao hơn”. Thêm nữa, những người nhập cư cũng góp phần đem lại “sự phong phú, đa dạng, mang thêm màu sắc, sự giàu có và hương vị cho đời sống văn hóa của Xin-ga-po”(3). Nhờ vậy, Xin-ga-po đã thu hút được một bản danh sách ấn tượng những nhà khoa học của thế giới, các nhà giải phẫu thần kinh học, các lập trình viên phần mềm, các giám đốc ngân hàng, các chuyên gia tầm cỡ thế giới và các giáo sư trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Xin-ga-po đặc biệt ưu tiên hướng vào việc thu hút nhân tài làm việc trong các khu vực công. Đây là khu vực mà việc thu hút và trọng dụng nhân tài có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế quốc gia. Chính phủ có nhiều chính sách linh hoạt để trọng dụng người tài làm việc trong khu vực công, thể hiện ở 4 nguyên tắc được quán triệt trong chính sách lương thưởng: Một là, có hệ thống lương linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế; Hai là, cố gắng theo kịp biến động của thị trường nhằm giữ chân cán bộ giỏi; Ba là, có khoản thưởng và mức tăng lương theo thành tích; Bốn là, phương thức trả lương cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, để thu hút nhân tài nước ngoài, Xin-ga-po thành lập 4 trung tâm với nhiều bước hỗ trợ nguồn nhân lực nước ngoài định cư, đó là: 1) Trung tâm tìm người tài; 2) Trung tâm giúp sinh viên có kỹ năng làm việc và tích lũy kinh nghiệm; 3) Trung tâm gắn kết với doanh nghiệp và giáo dục; 4) Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng.

Ngoài ra, Xin-ga-po còn có chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên tài năng của nhiều nước trong khu vực thông qua các đợt tuyển sinh. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên phải cam kết ở lại làm việc ít nhất 6 năm. Và trên thực tế, nhiều người sau 6 năm làm việc tiếp tục ở lại. Bằng chứng là 1/3 dân số hiện đang sinh sống, làm việc là người nước ngoài, trong đó chủ yếu là những lực lượng lao động có trình độ cao. Với chính sách này, Xin-ga-po không những giải quyết được việc thiếu nhân lực mà còn thu hút được chất xám từ bên ngoài.

Chính phủ Ma-lai-xi-a đưa ra chính sách đặc biệt để lôi kéo nhân tài như áp dụng mức thuế cá nhân 15% trong 5 năm cho người trở về Ma-lai-xi-a làm việc và được miễn thuế đối với tất cả tài sản mang theo. Nếu gia đình của lao động có chuyên môn cao trở về Ma-lai-xi-a là người nước ngoài, họ sẽ được chấp nhận là người thường trú trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn và được miễn thuế khi mua xe hơi được sản xuất hay lắp ráp nội địa.

Các chương trình thu hút nhân tài của Ma-lai-xi-a bao gồm: 1) Chương trình thu nhận các nhà khoa học Ma-lai-xi-a và ngoại quốc được triển khai từ năm 1995 do Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối với mục tiêu cụ thể nhằm lôi kéo các nhà khoa học Ma-lai-xi-a và ngoại quốc phục vụ yêu cầu nghiên cứu phát triển trong các viện nghiên cứu của Chính phủ và các trường đại học. Những nhà khoa học được chọn sẽ được nhận tiền thưởng sau thời gian làm việc, cấp vé máy bay khứ hồi cho gia đình; 30 ngày nghỉ phép hằng năm và có thể được hưởng những lợi ích y tế của Chính phủ. Các khoản phụ cấp khác gồm tiền thuê nhà, tiền học cho con; 2) Chương trình hồi hương các chuyên gia Ma-lai-xi-a ở nước ngoài được triển khai từ năm 2000 trong tuyên bố ngân sách 2001 như là biện pháp lôi kéo các trí thức Ma-lai-xi-a sống ở nước ngoài trở về phục vụ các viện nghiên cứu và công nghiệp Ma-lai-xi-a. Mục tiêu của Chương trình này là tạo ra lực lượng lao động đẳng cấp quốc tế và do vậy, Chương trình được giao cho Bộ Nhân lực. Bộ Khoa học và Công nghệ là thành viên chỉ định trong Ban điều phối. Trong số những ưu đãi cho những người trở về gồm có: Một là, giảm thuế thu nhập đối với kiều hối nhận được trong vòng 2 năm kể từ ngày về nước; Hai là, giảm thuế nhập khẩu cho tất cả đồ dùng cá nhân mang về nước gồm cả 2 xe ô-tô cho mỗi gia đình; và Ba là, cấp chế độ cư trú thường xuyên cho vợ/chồng, con cái trong vòng 6 tháng sau khi về nước.

Thứ ba, chú trọng đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, khoa học tự nhiên. Các nước thuộc ASEAN đặt tầm quan trọng vào sự cần thiết của khoa học và công nghệ trong phát triển nguồn nhân lực. Điều này được thể hiện thông qua "ASEAN - Tầm nhìn năm 2020" trong đó đặt ra mục tiêu dài hạn cho khoa học và công nghệ phát triển. Để khắc phục thiếu hụt cán bộ khoa học - công nghệ các nước đã có chính sách thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan đã đề xuất những chính sách:

Một là, tăng số lượng giáo viên trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu thông qua nhiều biện pháp khác nhau, như cấp học bổng cho các giáo viên khoa học và công nghệ cũng như nhiều lợi ích xã hội cho các giáo viên.

Hai là, tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong các ngành khoa học và công nghệ lên 40% trên tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm, đồng thời, nhấn mạnh vai trò của tư nhân trong đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ và đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ thông qua việc đưa hàng chục nghìn sinh viên Thái Lan ra nước ngoài để đào tạo trên cơ sở học bổng của Chính phủ Thái Lan. Mục tiêu của dự án là nhằm tạo ra các chuyên gia khoa học và công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực được ưu tiên cao nhất gồm công nghệ vật liệu và năng lượng, máy tính và điện tử, khoa học cơ bản và quản lý khoa học và công nghệ. Những người được nhận học bổng sẽ trở lại Thái Lan để làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

Bốn là, dự án "đảo dòng chất xám" được bắt đầu năm 1996 và phối hợp với các hiệp hội chuyên gia Thái Lan ở hải ngoại, sẽ cung cấp tài chính để thu hút các chuyên gia người Thái Lan ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chuyển hẳn hay tạm thời về Thái Lan. Dự án này được Chính phủ Thái Lan cung cấp 2,2 tỷ bạt nhằm lôi kéo những chuyên gia Thái Lan ở nước ngoài về làm việc trong các cơ quan dân sự, tiến hành công tác nghiên cứu và đào tạo cùng với các chuyên gia trong nước. Cục phát triển khoa học và công nghệ đề xuất cung cấp một khoản tài chính cho những người muốn vào làm việc trong các cơ quan dân sự để bù đắp những chi phí đào tạo của họ, tổng cộng lên tới 3,5 triệu bạt/người.

Ma-lai-xi-a xác định nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định để bảo đảm sự chuyển dịch thành công từ các hoạt động kinh tế cần nhiều lao động và tiền công thấp, sang các hoạt động công nghiệp dựa vào vốn và công nghệ cao. Việc đào tạo ở các trường đại học cũng được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Kế hoạch Phát triển quốc gia lần thứ 7 (1996 - 2000) đã đặt ra mục tiêu tăng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học tự nhiên lên 55,8% trong số sinh viên tốt nghiệp với hi vọng có thể đáp ứng được các yêu cầu cho Tầm nhìn 2020.

Từ đầu thập niên 1990, Phi-líp-pin nhận thấy nhu cầu phải tạo ra được lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ hùng hậu để có thể trở thành một nước mới công nghiệp hóa (NIC). Chính phủ đã triển khai một chương trình học bổng quy mô lớn thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Năm 1994, Luật Cộng hòa 7687 hay thường được gọi là Luật Học bổng khoa học và công nghệ 1994 đã được thông qua. Từ đó, hằng năm có khoảng 35.000 học bổng cho các khóa tú tài và công nghệ dành cho các học sinh. Luật Học bổng được cấp một khoản ngân sách hằng năm là 300 triệu pê-xô. Những người đăng ký nhất thiết phải nằm trong số 5% sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc nhất; là công dân được sinh ra tại Phi-líp-pin; sức khỏe tốt, đạo đức tốt, sống ở địa phương trong 4 năm cuối và qua được kỳ thi học bổng khoa học và công nghệ. Những người được nhận học bổng phải duy trì được kết quả học tập tốt trong suốt quá trình được nhận học bổng và sau khi học xong họ sẽ phải phục vụ đất nước theo các lĩnh vực được đào tạo.

Kế hoạch Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia 2002 - 2020 của Phi-lip-pin xác định phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đẳng cấp cao là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược khoa học và công nghệ Phi-líp-pin nhắm đáp ứng được những yêu cầu cạnh tranh toàn cầu của công nghiệp, đồng thời khai thác tối đa sự đóng góp của các chuyên gia khoa học và công nghệ Phi-líp-pin ở nước ngoài cho những nỗ lực phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Thứ tư, hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN để tạo ra một đội ngũ nhân lực chuyên môn cao có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Phát triển lực lượng lao động ASEAN có tay nghề, chuyên môn cao là mục tiêu của Cộng đồng kinh tế AEC đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Các hoạt động hợp tác song phương giữa các quốc gia trong khu vực được chú ý chủ yếu thông qua các chương trình dự án và với một số đối tác thứ ba. Chương trình hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Phi-lip-pin dựa trên các lĩnh vực mà cả Việt Nam và Phi-lip-pin đều có thế mạnh. Ví dụ, Việt Nam hỗ trợ Phi-lip-pin đào tạo những học sinh giỏi về toán học ở mọi cấp học. Phi-lip-pin hỗ trợ Việt Nam đào tạo y tá và điều dưỡng viên trình độ quốc tế. Xin-ga-po đã đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo tiếng Anh và trao đổi giáo viên trong giai đoạn (2008 - 2009).

Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và Hội nghị Ủy ban khoa học và công nghệ ASEAN lần thứ 62 (COST-62) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11-2011 là nhằm tiếp tục thảo luận các vấn đề về tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học và công nghệ trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các nước thành viên ASEAN đã nhất trí việc xây dựng Kế hoạch hành động khoa học và công nghệ của ASEAN giai đoạn 2012 - 2017 và đang tích cực triển khai sáng kiến “Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo vì một ASEAN cạnh tranh, bền vững và hội nhập”.

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN được thực hiện thông qua Diễn đàn chuyên ngành cấp cao nhất là Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách về lao động (ALMM) (4). Diễn đàn được họp theo nhiệm kỳ 2 năm/lần nhằm trao đổi về các chính sách phát triển nhân lực, lao động - việc làm, bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động, lao động di cư và các vấn đề khác liên quan đến lao động trong khu vực. Việt Nam chủ trì và điều phối trong giai đoạn 2010 - 2012. Trong Hội nghị nguồn nhân lực ASEAN tại Việt Nam (tháng 5-2010), vấn đề hợp tác trong 4 lĩnh vực được chú trọng: 1) quản lý nguồn nhân lực; 2) phát triển và đào tạo kỹ năng nghề; 3) phát triển thông tin thị trường lao động; 4) tăng cường quản lý lao động.

Hội nghị nguồn nhân lực ASEAN lần thứ ba (5) (tháng 5/2012) đã khai mạc tại Phnôm - Pênh, Cam-pu-chia với chủ đề tập trung vào phát triển các kỹ năng để tiến tới chuẩn bị cho một sự di chuyển lớn hơn về lao động có tay nghề trong ASEAN. Hội nghị chủ yếu tập trung vào tăng cường phát triển các nguồn nhân lực trong các nước ASEAN để đáp ứng nhu cầu về chất lượng của thị trường lao động. Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về cách thức quản lý và cân đối sự di chuyển của lao động có tay nghề trong các nước thành viên. Đây là cơ hội để các nước thành viên ASEAN và các đối tác phát triển chia sẻ những kinh nghiệm có giá trị cả trong phát triển các kỹ năng và trong hệ thống thông tin của thị trường lao động, giúp cải thiện sự hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực./.

PGS. TS. Vũ Văn Hà 
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Truy cập tháng: 1,586

Tổng truy cập:6,399

Copyright © 2020, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 1, Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84.8) 3896 8641 - (+84.8) 3896 1333

Email: ptchc@hcmute.edu.vn