BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM KỸ THUẬT
TP. HỒ CHÍ MINH
Số: /KH-ĐHSPKT-TCCB
Về việc kế hoạch triển khai Đề án
vị trí việc làm
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 9 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Kính gửi: Các đơn vị trong trường
Căn cứ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Công văn số 960/BGDĐT-TCCB ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, xác định số lượng người làm việc năm 2016;
Nhà trường triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm theo kế hoạch như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đề án vị trí việc làm là văn bản quan trọng nhằm xác định những công việc hoặc những việc làm của Trường theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng của công chức, viên chức; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong Trường.
2. Yêu cầu
Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý viên chức.
b) Vị trí việc làm được xác định và điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị trong Trường.
c) Vị trí việc làm phải gắn với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý tương ứng.
d) Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn nhà trường, đơn vị.
e) Đề án vị trí việc làm sẽ được phê duyệt ổn định 3 năm.
II. CĂN CỨ XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Việc xác định vị trí việc làm cần dựa vào các căn cứ sau:
1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực tế của đơn vị Khoa, Phòng, Ban, các Bộ môn và các đơn vị trực thuộc Trường.
2. Tính chất, đặc điểm, nhu cầu công việc của từng đơn vị trong Trường.
3. Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
4. Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5. Thực trạng bố trí, sử dụng viên chức của đơn vị.
III. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ VIỆC LÀM
1. Thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trường và đơn vị trực thuộc
Việc thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường và đơn vị trực thuộc thực hiện như sau:
1.1. Thống kê những công việc có tính chất thường xuyên, liên tục, ổn định, lâu dài, lặp đi lặp lại có tính chu kỳ mà đơn vị thực hiện, gồm:
a) Những công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, Trưởng, Phó các đơn vị: Khoa, Phòng/Ban/Bộ môn/Trung tâm/các đơn vị trực thuộc Trường.
b) Những công việc thực thi, thừa hành mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức (Giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên), trong đó nêu rõ:
- Công việc thực thi, thừa hành thuộc về ngành, chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của Trường và đơn vị trực thuộc (gọi chung là công việc hoạt động nghề nghiệp);
- Công việc thực thi, thừa hành mang tính phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và hoạt động nghề nghiệp của Trường và đơn vị trực thuộc (gọi chung là công việc hỗ trợ, phục vụ).
1.2. Không thống kê những công việc có tính thời vụ, đột xuất hoặc công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
1.3. Thống kê công việc được thực hiện trình tự từ đơn vị từng cấp trong cơ cấu tổ chức của Trường (Bộ môn/ Khoa, Phòng, Ban/Trường).
1.4. Việc thống kê công việc cụ thể của từng cá nhân theo Phụ lục số 1A và đơn vị tổng hợp theo Phụ lục số 1B kèm theo kế hoạch này.
2. Phân loại nhóm công việc
2.1. Trên cơ sở thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị, người đứng đầu các đơn vị chỉ đạo triển khai việc tổng hợp và phân nhóm công việc như sau:
a) Các nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành;
b) Các nhóm công việc hoạt động nghề nghiệp;
c) Các nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ.
2.2. Việc phân nhóm công việc thực hiện theo Phụ lục số 2 kèm theo kế hoạch này.
3. Xác định các yếu tố ảnh hưởng
3.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định vị trí việc làm trong đơn vị, gồm:
a) Chế độ làm việc của đơn vị gồm: chế độ làm việc 40 giờ/tuần, chế độ làm việc 24/24 giờ (hoặc theo giờ giảng dạy đối với giảng viên);
b) Phạm vi hoạt động của đơn vị;
c) Tính đa dạng về lĩnh vực hoạt động của đơn vị;
d) Tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của đơn vị;
đ) Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của đơn vị;
e) Mức độ hiện đại hóa công sở của đơn vị;
g) Các yếu tố khác (nếu có).
3.2. Các yếu tố ảnh hưởng được thực hiện theo Phụ lục số 3 kèm theo kế hoạch này.
4. Thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ viên chức trong đơn vị
4.1. Thống kê thực trạng về số lượng và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức (tính đến thời điểm 31/3/2015), gồm các nội dung:
a) Trình độ đào tạo;
b) Chuyên ngành được đào tạo;
c) Ngoại ngữ;
d) Tin học;
đ) Giới tính;
e) Tuổi đời;
g) Ngạch (hoặc chức danh nghề nghiệp) viên chức đang giữ;
h) Thâm niên công tác (kinh nghiệm nghề nghiệp).
4.2. Báo cáo đánh giá thực trạng việc đáp ứng yêu cầu công việc, bố trí, sử dụng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ viên chức và người lao động ở đơn vị. Nội dung báo cáo gồm:
a) Đánh giá việc đáp ứng và sự phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đội ngũ viên chức và người lao động ở đơn vị.
b) Đánh giá việc bố trí, sử dụng và năng lực, hiệu quả công việc thực tế của từng viên chức theo nhiệm vụ đang đảm nhận.
4.3. Việc thống kê thực hiện trạng đội ngũ viên chức trong đơn vị thực hiện theo Phụ lục số 4 kèm theo kế hoạch này.
5. Xác định danh mục vị trí việc làm của đơn vị
5.1. Trên cơ sở thống kê, phân nhóm công việc; các yếu tố ảnh hưởng; thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức, viên chức và chức danh nghề nghiệp đã được quy định, đơn vị xác định vị trí việc làm và tổng hợp thành danh mục vị trí việc làm của đơn vị.
5.2. Mỗi vị trí việc làm gắn với nội dung chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể, gắn với chức danh nghề nghiệp (giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên, cán sự, nhân viên,…) và hạng chức danh nghề nghiệp (hạng I, II, III, IV) và chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị (nếu là các công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành).
5.3. Danh mục vị trí việc làm của đơn vị, bao gồm:
a) Các vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành;
b) Các vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp;
c) Các vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ.
5.4. Danh mục vị trí việc làm của đơn vị được thể hiện ở cột 1, cột 2, cột 3 của Phụ lục số 5 kèm theo kế hoạch này.
6. Xây dựng bảng mô tả công việc của từng vị trí việc làm
6.1. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm được xác định tại mục 5, việc xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm được thực hiện như sau:
a) Mô tả về nội dung, quy trình, thủ tục và thời gian hoàn thành từng công việc tại từng vị trí việc làm;
b) Kết quả (sản phẩm), khối lượng công việc của vị trí việc làm;
c) Điều kiện làm việc (trang thiết bị, phần mềm quản lý, phương tiện, môi trường làm việc,...).
6.2. Tại những vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành có cả việc thực hiện công việc thực thi, thừa hành thì phần mô tả về công việc thực thi, thừa hành được thực hiện như đối với vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp trong đơn vị.
6.3. Bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm thực hiện theo Phụ lục số 6 kèm theo kế hoạch này.
7. Xác định khung năng lực của từng vị trí việc làm
7.1. Khung năng lực của từng vị trí việc làm được xây dựng căn cứ trên cơ sở yêu cầu thực hiện công việc, được phản ánh trên bản mô tả công việc tương ứng, gồm các năng lực và kỹ năng cần có để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
7.2. Khung năng lực của từng vị trí việc làm thực hiện theo Phụ lục số 7 kèm theo kế hoạch này.
8. Xác định chức danh nghề nghiệp, hạng chức danh nghề nghiệp ứng với vị trí việc làm và số lượng người làm việc
Việc xác định chức danh nghề nghiệp (giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính,…) và hạng của chức danh nghề nghiệp (hạng I, II, III, IV - theo cách phân loại trước đây: A3, A2, A1, B) ứng với vị trí việc làm và số lượng người làm việc được tiến hành đồng thời và gắn liền với quá trình xác định danh mục vị trí việc làm ở Phụ lục số 5 và căn cứ vào các yếu tố sau:
a) Lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ;
b) Tên của vị trí việc làm;
c) Bản mô tả công việc;
d) Khung năng lực;
e) Vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động và đối tượng phục vụ của đơn vị.
f) Chức danh nghề nghiệp, hạng chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc được thể hiện ở cột 4, cột 5, cột 6 của Phụ lục số 5.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban chỉ đạo
- Nhiệm vụ: thống nhất chủ trương, chỉ đạo và giám sát triển khai Đề án vị trí việc làm của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh theo kế hoạch.
- Thành phần:
1) Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng, Trưởng ban
2) Ông Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng, Phó ban
3) Ông Nguyễn Nam Thắng, Chủ tịch Công đoàn Trường, Ủy viên
4) Ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng TCCB, Ủy viên thường trực
2. Tổ triển khai công tác
- Nhiệm vụ:
+ Triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của Trường Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
+ Tổng hợp báo cáo các đơn vị, xây dựng Đề án vị trí việc làm, báo cáo Ban chỉ đạo.
+ Hoàn chỉnh Đề án vị trí việc làm trình BGH duyệt và chuyển nộp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thành phần tổ công tác:
1) Ông Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng
2) Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Trưởng Phòng TCCB, Tổ phó
3) Ông Đường Minh Hiếu, Chuyên viên Phòng TCCB, Thư ký
4) Ông Nguyễn Nam Thắng, Trưởng phòng HCTH, Thành viên
5) Ông Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, Thành viên
6) Ông Trần Quang Sang, Phó Trưởng phòng Thanh tra, Thành viên
7) Ông Hoàng An Quốc, Trưởng phòng QLKH-QHQT, Thành viên
8) Ông Đặng Trường Sơn, Trưởng phòng ĐBCL, Thành viên
9) Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng CTCT-HSSV, Thành viên
10) Bà Hoàng Thị Lan Hương, Phó phòng KH-TC, Thành viên
11) Bà Võ Thị Thanh Xuân, Chuyên viên Phòng TCCB, Thành viên
12) Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chuyên viên Phòng TCCB, Thành viên
13) Bà Phan Thị Thanh Tùng, Chuyên viên Phòng TCCB, Thành viên
14) Ông Nguyễn Cao Toản, Chuyên viên phòng HCTH, Thành viên.
3. Triển khai thực hiện các phần việc và thời gian
a) Đối với cấp Khoa, Phòng, Ban, Trung tâm:
- Từ ngày 09 - 18/9/2015: Trên cơ sở Phụ lục 1A của cá nhân, Tổng hợp Phụ lục số 1B, Phụ lục số 2, Phụ lục số 3, Phụ lục số 4, Phụ lục số 5, Phụ lục số 6, Phụ lục số 7 (theo các mẫu phụ lục gửi kèm Kế hoạch này):
- Ngày 21/9/2015: Tập hợp các phụ lục gửi về Phòng TCCB để tổng hợp (nộp văn bản và kèm file Word, kiểu chữ Time New Roman về địa chỉ ptccb@hcmute.edu.vn).
b) Đối với cấp Trường:
- Từ ngày 21 - 25/9/2015: Tổ công tác tổng hợp các số liệu của các đơn vị và xây dựng Đề án vị trí việc làm của Trường.
- Ngày 28/9/2015: Thông qua Ban chỉ đạo.
- Từ ngày 29 - 30/9/2015: Hoàn chỉnh Đề án theo góp ý của Ban chỉ đạo.
- Ngày 01/10/2015: Trình BGH phê duyệt.
- Ngày 02/10/2015: Báo cáo đề án về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên đây là Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm của Trường; yêu cầu các đơn vị thực hiện kế hoạch theo quy định. Phòng TCCB có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các đơn vị triển khai. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn các đơn vị báo cáo trường (qua phòng Tổ chức Cán bộ).
Nơi nhận:
|
HIỆU TRƯỞNG
|
- Như kính gửi;
- Lưu: HCTH, TCCB.
|
|
|
(Đã ký)
PGS. TS. Đỗ Văn Dũng
|