Tác giả :


V.I.Lê-nin coi việc lựa chọn, bố trí và bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ là những vấn đề mấu chốt trong toàn bộ công tác cán bộ của đảng cộng sản cầm quyền. Những thành tựu to lớn đầu tiên mà Chính quyền Xô-viết non trẻ đạt được chỉ trong mấy năm sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã cho thấy sức mạnh xây dựng to lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời cũng là minh chứng khẳng định rằng, Đảng Bôn-sê-vích đã tôi luyện được một đội ngũ những nhà tổ chức xuất sắc, “những lãnh tụ, tinh hoa của giai cấp vô sản” tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân, biết tổ chức và phát huy sức mạnh tập thể trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa.



Trong các tác phẩm, bài phát biểu và những bức thư mà V.I. Lê-nin viết vào giai đoạn sau Cách mạng Tháng Mười, vấn đề cán bộ, nhất là vấn đề nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ được Người coi là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Bản thân Người là tấm gương mẫu mực trong thực hành nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ. Nghệ thuật đó không phải là một điều gì trừu tượng, cao xa. Nó đòi hỏi việc lãnh đạo phải tuân theo những nguyên tắc rất cụ thể, thiết thực. Trong số những nguyên tắc đó, Lê-nin đã nhấn mạnh đến:
Thứ nhất, kiểm tra việc chấp hành công việc của cán bộ
Nguyên tắc này, theo V.I. Lê-nin, chính là mấu chốt của toàn bộ công tác cán bộ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra việc chấp hành công việc của cán bộ, Người đã viết : “Cái chúng ta cần, không phải là các pháp lệnh mới, các cơ quan mới, hay các biện pháp đấu tranh mới… Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”(1). Kiểm tra việc chấp hành công việc nhằm mục đích bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả tối đa. Cũng thông qua kiểm tra việc chấp hành nhiệm vụ mà kịp thời biểu dương những nhân tố, điển hình tích cực và đấu tranh kiên quyết nhằm khắc phục và chấm dứt tình trạng lạc hậu, vô nguyên tắc, nói không đi đôi với làm, nói mà không làm hay nói nhiều làm ít,… ở bất cứ địa phương, ngành, cơ quan hay đơn vị nào.
Kiểm tra việc chấp hành công việc của cán bộ, theo V.I. Lê-nin, phải được thực hiện một cách “kiên trì, từ từ, thận trọng, thiết thực và tỉ mỉ…" và chỉ tiếp tục được đẩy mạnh trong cuộc sống khi mà phương pháp, chế độ quản lý, cách lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ hiện hành ngày càng chứng tỏ đầy đủ tính hiệu quả của nó. Để có thể kiểm tra được quy mô và kết quả của công tác, V.I. Lê-nin nhấn mạnh “cần định ra những hình thức báo cáo thực tế, thật ngắn gọn, nhưng rõ ràng và chính xác”, thậm chí “cần phải có những bản báo cáo in thành thông báo chung, có sự tham gia nhất thiết phải được mở rộng của những người ngoài đảng và của những người không làm việc trong các cơ quan”(2). Tuy nhiên, để thực hiện được công tác kiểm tra một cách có hiệu quả thì việc nghiêm túc thực thi quy định về trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng cán bộ trong việc chấp hành nhiệm vụ cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao là điều “tuyệt đối bắt buộc”.
Thứ hai, thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách
V.I. Lê-nin rất coi trọng chế độ lãnh đạo tập thể. Mọi vấn đề quan trọng Người đều bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo khác. Người đưa các vấn đề ra thảo luận và quyết định trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng dân uỷ. Trong Thư gửi M. Ph. An-đrê-ê-va (tháng 9-1919), Người viết: “Tôi không thể nào đi ngược lại ý chí và quyết định của các bạn đồng sự uỷ viên trong hội đồng”. Bảo vệ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, nhưng V.I. Lê-nin cũng kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện làm sai lệch nguyên tắc này. Lãnh đạo tập thể là điều cần thiết để giải quyết các công việc của nhà nước công nông. Nhưng mọi sự thái quá, mọi sự lệch lạc trong thực hiện lãnh đạo tập thể đưa đến tình trạng chậm trễ, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, biến các cơ quan lãnh đạo tập thể thành nơi bàn cãi suông, theo V.I. Lê-nin, đều là những tai hại rất lớn và cần phải kiên quyết, kịp thời chấm dứt bằng bất cứ biện pháp nào.
Chế độ lãnh đạo tập thể - một hình thức cơ bản trong tổ chức quản lý của Chính quyền Xô-viết trong thời kỳ đầu xây dựng chế độ mới là nguyên tắc thực sự cần thiết. Tuy nhiên, lãnh đạo tập thể phải đi đôi với cá nhân phụ trách. Khẳng định điều này, V.I. Lê-nin đã từng viết: “Dầu sao và dầu trong trường hợp nào đi nữa, việc tập thể lãnh đạo cũng vẫn phải đi đôi với việc cá nhân phụ trách đã được quy định một cách rõ rệt cho từng người đối với một công tác nào đó đã được quy định một cách chính xác”. Trong việc triển khai những hoạt động thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, theo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, “thì chỉ nên giao cho một đồng chí thôi, một đồng chí có tiếng là cương nghị, có tinh thần quả quyết, mạnh dạn, có khả năng lãnh đạo công tác thực tiễn và được tín nhiệm nhất”(3). Chế độ thủ trưởng, theo V.I. Lê-nin, là chế độ bảo đảm việc phát huy và sử dụng có hiệu quả nhất năng lực của cán bộ. Và V.I. Lê-nin còn đòi hỏi ở người người thủ trưởng đó còn “cần phải có ở mức độ cao khả năng lôi cuốn mọi người và có đủ trình độ kiến thức vững vàng để kiểm tra công tác của họ” và người thủ trưởng ấy cũng cần thiết “phải biết quản lý về mặt hành chính và có được người giúp việc hoặc những người giúp việc xứng đáng trong công việc”(4) mà mình phụ trách, quản lý.
Thứ ba, liên hệ mật thiết với quần chúng, thu hút các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước
Khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân là yếu tố quyết định trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I. Lê-nin đã yêu cầu các cơ quan của Đảng và Chính quyền Xô-viết phải được tổ chức trên cơ sở có sự tham gia tích cực của quần chúng lao động, phải trở thành trường học giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho nhân dân và chuẩn bị cho người dân có điều kiện tham gia quản lý nhà nước. Trong Diễn văn tại phiên họp liên tịch của Ban Chấp hành Trung ương các xô-viết toàn Nga nhân dịp kỷ niệm 2 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin đã đề cập đến một trong những bài học quan trọng nhất rút ra từ công cuộc xây dựng chính quyền mới qua 2 năm đó. Bài học ở đây là: chỉ có sự tham gia của công nhân trong việc quản lý nhà nước; chỉ xây dựng được mối quan hệ đúng đắn với nông dân, với hàng triệu quảng đại quần chúng nông dân, thì cách mạng mới giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong Nhận xét và bổ sung các bản dự thảo “Quy chế về Ban Thanh tra công nông” (tháng 1-1920), Người đặt ra yêu cầu thu hút quần chúng lao động tham gia Ban Thanh tra công nông, đồng thời chỉ rõ các hình thức tham gia tuỳ thuộc trình độ của những người tham gia, như từ chỗ đóng vai “nhân chứng” hay là làm chứng hoặc là chứng kiến hay là học viên đối với những người công nhân và nông dân mù chữ và hoàn toàn không có trình độ, đến chỗ có tất cả quyền hạn (hoặc gần như tất cả) đối với những người có trình độ, đã được thử thách trong thực tiễn bằng cách này hay cách khác.
Thứ tư, tích cực, mạnh dạn sử dụng lực lượng cán bộ trẻ, thu hút phụ nữ vào sự nghiệp xây dựng chế độ mới
Mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ không có nghĩa là giao ngay tức khắc cho cán bộ trẻ những trọng trách đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm mà họ chưa có. Về điều này, V.I. Lê-nin đã giải thích rất tường tận: “Mạnh dạn ở đây là thứ mạnh dạn cần thiết để chống chủ nghĩa quan liêu…, mạnh dạn cần thiết ở đây là mạnh dạn trước hết trong việc để cho những đảng viên mới đó, đã hiểu rõ tình hình của quần chúng nhân dân, hiểu rõ những thiếu thốn và yêu cầu của quần chúng nhân dân, được kiểm tra các nhân viên, công chức và các chuyên gia. Cái mạnh dạn cần thiết ở đây là mạnh dạn trong việc lập tức tạo cho những đảng viên mới đó có cơ hội phát huy và biểu hiện được năng lực của mình trong công tác rộng lớn. Cái mạnh dạn cần thiết ở đây là mạnh dạn phế bỏ mọi thứ khuôn sáo thông thường… Mạnh dạn ở đây có nghĩa là phải sẵn sàng, với tốc độ cách mạng, thay đổi công tác cho các đảng viên mới, để thử thách họ nhanh hơn, để chóng tìm ra những cương vị công tác thích hợp cho họ”(5).
Về sự cần thiết thu hút phụ nữ vào sự nghiệp xây dựng chế độ mới, V.I. Lê-nin dạy rằng, không thể giải quyết những nhiệm vụ hết sức lớn lao về xây dựng kinh tế và củng cố Nhà nước Cộng hoà Xô-viết nếu không thu hút phụ nữ tích cực tham gia sự nghiệp đó. Đảng và Nhà nước Xô-viết phải làm cho phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống kinh tế và chính trị của đất nước, làm cho nữ công nhân được bình đẳng với nam công nhân không những về mặt pháp lý, mà còn và quan trọng hơn là cả trên thực tế, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc quản lý các xí nghiệp nhà nước nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. V.I. Lê-nin nhấn mạnh: Giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không đấu tranh giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ.
Thứ năm, sử dụng kinh nghiệm của các chuyên gia tư sản
V.I. Lê-nin từng xem việc chuyển từ trấn áp sang sử dụng những chuyên gia tư sản là một thành tựu quan trọng nhất mà Đảng và Chính quyền Xô-viết đã đạt được trong những năm đầu xây dựng đất nước. Phê phán lập luận của “những người cộng sản cánh tả” cho là có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không cần sử dụng các chuyên gia tư sản, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Cần phải đặt vấn đề chuyên gia một cách rộng rãi hơn nữa. Chúng ta phải sử dụng họ trong mọi lĩnh vực xây dựng mà chúng ta không thể bảo đảm thắng lợi được với những khả năng của bản thân chúng ta, vì chúng ta không có kinh nghiệm, cũng không có trình độ khoa học của những chuyên gia tư sản”. Sử dụng các chuyên gia tư sản là một việc cần thiết, song việc cần thiết hơn là phải biết sử dụng họ như thế nào. Về điều này, V.I. Lê-nin đã nhắc nhở: “ Cần phải giao công việc cho họ, nhưng cũng phải theo dõi họ chặt chẽ, đặt họ dưới quyền các chính uỷ, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ. Đồng thời cần phải học tập họ. Với tất cả những điều đó, và không mảy may nhượng bộ các ngài đó về chính trị, chúng ta sử dụng lao động của họ ở khắp mọi nơi có thể sử dụng được”(6).
Thứ sáu, coi trọng, tin tưởng và động viên cán bộ thực hiện nhiệm vụ
V.I. Lê-nin nghiêm khắc lên án bệnh quan liêu hành chính, thói ra lệnh, áp đặt, đối xử thô bạo, nóng nảy, coi thường đồng chí và những cán bộ dưới quyền của một vài cán bộ lãnh đạo, thậm chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Khi biết có chuyện cán bộ lãnh đạo của một trong những bộ dân uỷ vẫn thường “loại bỏ” những cán bộ mẫn cán đối với công việc, buộc tội họ “có âm mưu” chỉ vì những cán bộ này có những suy nghĩ và đề xuất những cách làm khác với suy nghĩ và cách làm thường ngày của lãnh đạo, V.I. Lê-nin đã viết thư cho đồng chí lãnh đạo đó, trong thư nhắc nhở: “không nên đi tìm “âm mưu” hoặc “sự chống đối” ở những người có sự suy nghĩ khác hoặc làm theo cách khác, mà cần phải coi trọng những người có đầu óc độc lập”(7), biết khơi dạy tính sáng tạo, linh hoạt và xử lý hiệu quả công việc trước những tình huống phức tạp mới mà thực tiễn đặt ra. Đối với các đồng chí lãnh đạo giữ cương vị càng cao, V.I. Lê-nin nhắc nhở: Ngoài năng lực về lý luận và tổ chức, họ phải là những người “khoan dung hơn, từ tốn hơn, lịch thiệp hơn và quan tâm đến đồng chí nhiều hơn, tính tình ít thất thường hơn”(8). Từ yêu cầu này của V.I. Lê-nin đòi hỏi người đứng đầu luôn phải có thái độ coi trọng, tin tưởng và động viên cán bộ do mình quản lý tự giác hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trên đây mới chỉ là khái quát về một số nguyên tắc trong nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ rút ra từ di sản tư tưởng to lớn của V.I. Lê-nin về vấn đề cán bộ. Tuy nhiên, những nguyên tắc mà V.I. Lê-nin đã nêu ra về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý cán bộ, như kiểm tra việc chấp hành công việc của cán bộ, thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân và thu hút họ tham gia quản lý nhà nước, mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ và các chuyên gia tư sản trong xây dựng chế độ mới và thái độ coi trọng, tin tưởng cán bộ vẫn là những bài học kinh nghiệm cần thiết cho chúng ta, nhất là trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và trước thềm Đại hội XII của Đảng để có thể lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay./.
Nguyễn Tiến Nghĩa
-------------------------------------------------
Chú thích:
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 45, tr 19
(2) V.I. Lê-nin: Sđd, t.42, tr. 358, 402; t. 43, tr. 327
(3) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 39 tr. 52 -53
(4) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 45, tr. 402-403
(5) V.I. Lê-nin: Sđd, t.39, tr. 270
(6) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 38, tr. 7-8
(7) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 54, tr. 96
(8) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 45, tr. 396-397
Theo: tapchicongsan.org.vn
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Truy cập tháng: 3,378

Tổng truy cập:3,378

Copyright © 2020, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 1, Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84.8) 3896 8641 - (+84.8) 3896 1333

Email: ptchc@hcmute.edu.vn