Tác giả :
Thành tựu và hạn chế của công tác cán bộ
Gần 30 năm qua, Đảng ta luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã chỉ rõ trong công cuộc đổi mới “cán bộ có vai trò quan trọng, hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình đổi mới”(1). Đến Đại hội XI của Đảng, Đảng ta vẫn tiếp tục xác định: “phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”(2). Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2011 - 2020 là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân”.

Các nhà lãnh đạo, quản lý là những người được đào tạo, bồi dưỡng để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có kiến thức chuyên môn, có trách nhiệm với công việc được giao phó, có khả năng xây dựng khối đoàn kết để phát huy sức mạnh tập thể… đó là mục tiêu cũng là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân đối với đội ngũ này. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ này đã đáp ứng được đến đâu? Được đánh giá như thế nào?
Những thành tựu đạt được trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đó là thế hệ những cán bộ đã được tôi luyện, trưởng thành qua thử thách, có ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, góp phần vào việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hiện, cả nước có trên 2,6 triệu người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, trong đó có 18.000 thạc sĩ, tiến sĩ; 6.000 giáo sư, phó giáo sư; 93,8% cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên có trình độ đại học và trên đại học; 100% cán bộ cấp vụ ở các cơ quan trung ương có trình độ đại học và trên đại học. Những số liệu nêu trên đã cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ở Trung ương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp có bước chuyển rõ rệt về cả trình độ chuyên môn và trình độ chính trị. Trong nhiệm kỳ khóa IX, số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng có trình độ đại học trở lên là 138/150 (chiếm 92%) thì đến khóa X đã nâng lên 174/181 (chiếm 96,13%); số có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp đến cao cấp khóa VIII chiếm 88,23%, thì đến đầu Đại hội X đã tăng lên 97,23%.
Ở cơ sở, số cán bộ chủ chốt cấp huyện và cán bộ chủ chốt sở, ngành cấp tỉnh có trình độ lý luận chính trị cao cấp là 98%; có trình độ đại học là 95%; số cán bộ được quy hoạch vào cấp ủy tỉnh có trình độ đại học trở lên là 100%, có trình độ lý luận chính trị cao cấp là 95%.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức của kinh tế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém cả về năng lực chuyên môn và ý thức chính trị. Đánh giá về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 9 khóa X, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã thẳng thắn chỉ ra: “trình độ, năng lực, kiến thức về kinh tế thị trường, luật pháp, ngoại ngữ, khả năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội của không ít cán bộ vẫn còn bất cập; khả năng dự báo và định hướng sự phát triển vẫn còn yếu”(3), “Một bộ phận cán bộ chủ quan, tự mãn, bảo thủ, trì trệ, mắc bệnh thành tích; số khác thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức tự phê bình và phê bình và tính chiến đấu kém; lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân(4). Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI tiếp tục nhấn mạnh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Như vậy, có thể thấy chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang chủ động hội nhập quốc tế, đã đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ, đòi hỏi đội ngũ này phải nâng cao chất lượng, đồng thời phải vững vàng cả về ý thức chính trị, giữ được phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống đúng mực, tránh được những tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Những yêu cầu đối với cán bộ thời kỳ mới
Tiêu chuẩn chung của cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được quy định tại các văn bản của Trung ương, tuy nhiên, trong từng giai đoạn cụ thể, với mỗi đối tượng cán bộ, đảng viên lại cần có những yêu cầu mới. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển và đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới trên nhiều lĩnh vực, đội ngũ cán bộ hiện nay rất cần hội tụ những yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ phải có trình độ, năng lực. Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng của cán bộ trong mọi thời kỳ. Có trình độ chuyên môn tốt mới bảo đảm cho cán bộ hoàn thành công việc được giao. Trình độ của cán bộ được đánh giá là tốt khi đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đó. Cụ thể trong thời kỳ hiện nay khi khoa học - công nghệ phát triển, người cán bộ phải có trình độ về công nghệ, làm chủ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Thứ hai, cán bộ phải có văn hóa làm việc khoa học, hiệu quả, vì dân. Công cuộc cải cách hành chính đã được đẩy mạnh từ nhiều năm nay cũng là nhằm mục tiêu này. Lối làm việc tùy tiện, nặng về hành chính, quan liêu, thói cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ tồn tại khá lâu đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, chính quyền, làm giảm hiệu quả công việc trong các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp, có tính kế hoạch cao, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm là cần thiết.
Thứ ba, người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng. Trong tình hình hiện nay, đây được xem là một trong những yêu cầu hàng đầu. Bản lĩnh mà trước hết là bản lĩnh chính trị của người cán bộ chính là yếu tố quan trọng, có bản lĩnh người cán bộ sẽ không bị tác động, ảnh hưởng của những yếu tố tiêu cực. Đó là những cám dỗ từ mặt trái cơ chế thị trường, từ chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Giải pháp thời gian tới
Để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực thực sự ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình mới. Phải lấy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm trọng tâm. Trong đào tạo, bồi dưỡng không chỉ chú ý đến bồi dưỡng về chính trị mà phải đặc biệt chú ý đến chất lượng chuyên môn, phải có kế hoạch xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, đồng thời có ý thức chính trị cao, có phẩm chất đạo đức tốt.
Đội ngũ cán bộ này cũng phải được xây dựng có bài bản với các thế hệ, bảo đảm có sự nối tiếp. Muốn vậy, ngay từ khâu tuyển chọn người đi đào tạo, bồi dưỡng phải thực sự công tâm, công bằng để chọn được người xứng đáng, tránh tình trạng cán bộ được lựa chọn đi đào tạo, bồi dưỡng không đủ trình độ tiếp thu kiến thức, không đủ phẩm chất trở thành người lãnh đạo, quản lý. Như vậy, không chỉ làm thiếu hụt cán bộ, ảnh hưởng tới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn gây lãng phí.
Hai là, tạo môi trường học tập cho đội ngũ cán bộ. Không chỉ học tập trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng mà ngay trong quá trình công tác, trong môi trường làm việc hằng ngày, cũng cần tạo ra một không khí học tập. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007, và việc thường xuyên học tập, nghiên cứu nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã tạo nên một không khí học tập khá sôi nổi trong các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên. Hai phong trào này trong những năm gần đây đã thực sự tạo được một luồng khí mới để các cán bộ lãnh đạo, đảng viên cùng nhìn lại mình để tu sửa, rèn giũa.
Ba là, làm tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành trong thực tiễn. Những môi trường, điều kiện làm việc khác nhau ở cơ sở sẽ giúp cho cán bộ phát huy được năng lực, sức sáng tạo. Đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với những cán bộ sau đó công tác ở các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách.
Bốn là, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng. Đãi ngộ tốt thì không chỉ hấp dẫn được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn gìn giữ được phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng, ngăn ngừa được tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, gây khó dễ cho người dân trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ. Đãi ngộ theo hiệu quả công việc sẽ khuyến khích sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân./.
Nguyễn Thị Mai Anh -Tạp chí Cộng sản
--------------------------------------------
(1) Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 26-6-1992, “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr . 41
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 202 - 203
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Truy cập tháng: 7,867

Tổng truy cập:24,349

Copyright © 2020, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 1, Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84.8) 3896 8641 - (+84.8) 3896 1333

Email: ptchc@hcmute.edu.vn