I. PHÊ BÌNH VÀ SỬA CHỮA
1.
Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao
nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy
thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ
nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì
có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ.
2.
Trong bức thư trước, Hồ Chủ tịch đã vạch rõ khuyết điểm của chúng ta.
Những cán bộ và đảng viên các nơi, hoặc chỉ nghiên cứu qua loa, hoặc
nhận thấy khuyết điểm rồi nhưng không cố gắng sửa chữa. Đó là vì nghiên
cứu một cách không thiết thực, không có tổ chức.
Từ nay, chúng ta phải làm như sau này:
A- TỔ CHỨC: Mỗi
cơ quan, bộ đội, đoàn thể phải tổ chức một uỷ ban học tập, do cán bộ
cao cấp lãnh đạo, do các cấp cử đại biểu tham gia. Số uỷ viên nhiều hay
ít, tuỳ hoàn cảnh mà định. Uỷ ban này định ra kế hoạch; nghiên cứu, thảo
luận, kiểm tra và thực hành.
B- THỜI GIAN HỌC TẬP: Từ 2 đến 3 tháng. Mỗi nơi tuỳ hoàn cảnh mà định ngày giờ. Dù sao, phải có ngày giờ nhất định.
D- CÁCH THỨC HỌC TẬP:
1.
Nghiên cứu - Mỗi người phải đọc kỹ càng các tài liệu, rồi tự kiểm điểm
và kiểm điểm đồng chí mình, có khuyết điểm gì và ưu điểm gì.
2.
Thảo luận - Khai hội thảo luận và phê bình. Trong lúc thảo luận, mọi
người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng
cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh. Những kết luận trong
cuộc thảo luận phải có cấp trên duyệt y mới là chính thức.
Đ- CÁCH PHÊ BÌNH: Mục
đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa
đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội
bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt
để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và
khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc.
Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê
bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà
nản chí, hoặc oán ghét.
E- KIỂM TRA: Uỷ
ban học tập phải có một ban kiểm tra để xem xét việc học tập và sự tiến
bộ của mọi người, giúp đỡ người tiến bộ ít, khen ngợi người tiến bộ
nhiều.
G- BÁO CÁO: Mỗi tháng phải báo cáo về Trung ương một lần.
H- THỰC HÀNH: Người
có ưu điểm thì phải cố gắng thêm, và người khác phải cố gắng bắt chước.
Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em
sửa chữa khuyết điểm của họ. Mọi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết
điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ
thành một ưu điểm lớn, rất lợi cho Đảng và công cuộc kháng chiến.
II. PHẢI SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC CỦA ĐẢNG
Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.
Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa.
Cán
bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết
điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích
nhiều. Đó là lẽ tất nhiên.
Vì
vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người
mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ
thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa
chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành
công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như
giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng
nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng:
- Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan.
- Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi.
- Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.
Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng.
A- BỆNH CHỦ QUAN
Mỗi
chứng bệnh sinh ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho
người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc
khinh lý luận, hoặc lý luận suông.
Trước hết, ta phải hiểu lý luận là gì?
Lý
luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc
tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận.
Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính.
Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.
Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.
Hiện
nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta
đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự,
kinh tế, và văn hoá? Đã mấy người hiểu “biện chứng” là cái gì?
Vì
kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc
cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách
quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại.
Đó là chứng kém lý luận trong bệnh chủ quan.
Có
những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố
nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái
bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: Nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết
thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: Kinh nghiệm của
họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về
một mặt mà thôi.
Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.
Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn.
Có
những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều
sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận.
Lý
luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào
thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận,
nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.
Xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận.
Những anh em đó cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận.
Nói
tóm lại, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận
áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý
luận và lý luận suông.
Có
những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều
sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận.
Đây phải nói rõ vấn đề trí thức.
Những
người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho
Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm
nhiều.
Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ.
Trí thức là gì?
Trí
thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu
biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu
biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra.
Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác.
Một
người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết
cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm
nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế
là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa
phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì
phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.
Vì
vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình.
Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.
Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.
Lý
luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để
bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.
Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.
Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.
B- BỆNH HẸP HÒI
Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải.
Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết.
Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân.
Nhiều
thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá
nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ
hoá,v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!
Có
những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của
toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận
mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số
phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải
phục tùng toàn thể.
Chúng
ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ
phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của
toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng.
Vì
ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi
người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy
ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng.
Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống
nhất của Đảng.
Cũng vì bệnh hẹp hòi đó mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương không đoàn kết chặt chẽ.
Phải
biết rằng: Chỉ có hai hạng cán bộ đó đoàn kết chặt chẽ và chỉ có cán bộ
địa phương ngày càng thêm nhiều, thì nền tảng của Đảng mới phát triển
và vững vàng. Cán bộ phái đến, trình độ thường cao hơn, kinh nghiệm
nhiều hơn. Nhưng cán bộ địa phương lại biết rõ nhân dân, quen thuộc công
việc hơn. Hai hạng cán bộ phải giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau, thì công
việc mới chạy.
Vì
bệnh hẹp hòi mà cán bộ phái đến thường kiêu ngạo, khinh rẻ cán bộ địa
phương, cho họ là dốt kém. Thành thử không thân mật hợp tác.
Từ nay, hễ có việc lôi thôi như thế nữa, thì cán bộ phái đến phải chịu lỗi nặng hơn, nhất là những cán bộ lãnh đạo.
Hai hạng cán bộ phải kết thành một khối, không phân biệt, không kèn cựa. Phải cùng nhau chữa cho tiệt cái nọc bệnh hẹp hòi.
Cán bộ quân sự với cán bộ địa phương cũng vậy, phải đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau.
Cán
bộ quân sự trong một địa phương thường giữ địa vị lãnh đạo và có quyền
lực trong tay. Vì vậy, nếu từ nay còn có sự không hoà thuận giữa hai
bên, thì cán bộ quân sự phải chịu lỗi lớn hơn.
Bộ
đội này với bộ đội khác, địa phương này với địa phương khác, cơ quan
này với cơ quan khác, đều phải phản đối bệnh ích kỷ, bệnh địa phương.
Thí dụ: không muốn cấp trên điều động cán bộ, hoặc khi điều động thì chỉ
đùn những cán bộ kém ra. Có vật liệu gì dù mình có thừa, hoặc không cần
đến, cũng thu giấu đi, không cho cấp trên biết, không muốn chia sẻ cho
nơi khác.
Bệnh địa phương đó, phải tẩy cho sạch.
Lại còn vấn đề cán bộ cũ và cán bộ mới.
Đảng càng phát triển thì cần đến cán bộ mới càng nhiều.
Vả
chăng, số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng. Đồng thời, theo luật
tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới
thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng.
Vì
vậy, cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới.
Cố nhiên cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều
khuyết điểm. Nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: Họ nhanh nhẹn
hơn, thường giàu sáng kiến hơn.
Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau.
Cán
bộ cũ thường giữ địa vị lãnh đạo. Vì vậy, nếu từ nay, quan hệ giữa hai
hạng cán bộ ấy không ổn thoả, thì cán bộ cũ phải chịu trách nhiệm nhiều
hơn. Như thế mới chữa khỏi bệnh hẹp hòi.
Từ
trước đến nay, vì bệnh hẹp hòi mà có những sự lủng củng giữa bộ phận và
toàn cuộc, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương và cán bộ phái đến,
cán bộ quân sự và cán bộ “mặt trận”, cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan
này và cơ quan khác, bộ đội này và bộ đội khác, địa phương này và địa
phương khác.
Vậy từ nay, chúng ta phải tẩy cho sạch cái bệnh nguy hiểm đó, khiến cho Đảng hoàn toàn nhất trí, hoàn toàn đoàn kết.
Bệnh hẹp hòi đối ngoại.
Có
nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn
biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận
đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là
bệnh hẹp hòi hạng nặng.
Họ
quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công
được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: So với số nhân
dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một
người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được
việc gì hết.
Vì
vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh
rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được
rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất
bại.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi.
Cũng
vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng
bào (như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ,
v.v.).
Từ
nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi
đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng
chiến mới dễ thắng lợi.
Bệnh
chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ
địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài.
Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại
từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải
chữa hết những chứng bệnh đó.
Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi:
Vì sao có vấn đề này?
Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao?
Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy.
Để
chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy
lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình.
Hai việc đó phải đi đôi với nhau.
Trong
lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải
nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích
nhau, bắt chước nhau.
Mỗi
cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa
chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có
bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng.
III. MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM
1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Muôn
việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một
chân lý nhất định. Sau đây là những kinh nghiệm rõ ràng:
Chính
phủ muốn giúp đồng bào làng X. ở thượng du mở mang văn hoá, đã lập ra
trường và phái giáo viên đến mấy lần, nhưng không ai đến học. Các giáo
viên đều lắc đầu trở về.
Đồng chí A ở Vệ quốc quân, đánh giặc bị thương, gẫy tay, không cầm súng được nữa, xin đi làm giáo viên.
Được
phái đến làng X, A liền đi thăm các nhà, nói chuyện với các bậc cha mẹ
và trẻ em. Kết quả những cuộc nói chuyện đó là: vì nhà nghèo, thiếu
người, trẻ em phải ở nhà giúp việc không đi học được.
A
liền tìm cách giải quyết: Vừa học vừa làm. Khuyên các trẻ em họp thành
tiểu tổ, như tổ chăn trâu, tổ cắt cỏ, tổ đan nón, v.v.. Các trẻ em vừa
làm vừa học. Nhờ cách hợp tác, làm lại được nhiều hơn làm riêng ở nhà.
Đồng bào trong làng thấy vậy, chẳng những cho các con đã lớn đi học, mà
gửi cả con còn bé cho thầy, “học được chữ nào hay chữ ấy”. Rồi người lớn
thấy vui cũng đi học.
Nhà trường dột, đồng chí A tự mình lợp lại. Đồng bào thấy vậy, kéo nhau đến giúp.
Đối
với các em làm biếng hoặc nghịch ngợm, A không đánh phạt, chỉ dùng cách
khuyên dỗ, và bày cho các em khác phê bình. Thành thử dần dần em nào
cũng trở nên ngoan ngoãn.
Khi dân làng có việc gì, A cũng ra tay giúp. Khi có ai cãi cọ nhau, thì A lấy tư cách thầy học trong làng đến dàn xếp.
Thành
thử dân làng, nhất là những cha mẹ học trò, ai cũng kính trọng và yêu
mến đồng chí A. Những nhà gần làng thấy vậy, cũng gửi con đến học.
Đồng chí A chỉ có bằng tiểu học mà đã làm được công việc những ông giáo khác không làm nổi.
Trong
các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự,
văn hoá, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến như A.
Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên
có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc.
Muốn
tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh
đạo. Thí dụ: bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và
cất nhắc nhân tài.
2. Chính sách thì đúng, cách làm thì sai
Chúng
ta thường kêu gọi làm làng kiểu mẫu, trại kiểu mẫu, bộ đội kiểu mẫu,
nhà máy kiểu mẫu, v.v., khẩu hiệu đó rất đúng. Nhưng đến nay, hoặc chưa
làm được, hoặc làm được nửa chừng rồi lại nguội. Vì lẽ gì?
Vì
chúng ta quên một lẽ rất giản đơn dễ hiểu: Tức là vô luận việc gì, đều
do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả.
Muốn
lập làng kiểu mẫu, đội kiểu mẫu, v.v., thì trước phải đào tạo ra những
người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó. Làm được một làng,
một đội rồi lấy đó làm kiểu mẫu, để khuyến khích và cổ động nơi khác.
Từ
trước đến nay, chúng ta làm trái ngược lại. Chúng ta nghĩ ra một làng,
một đội kiểu mẫu trong tư tưởng, mà không bắt đầu từ một làng, một đội
sẵn có, cho nên kế hoạch không ăn khớp với những hoàn cảnh thiết thực
(khách quan).
Đó cũng là vì bệnh chủ quan của chúng ta. Cho nên khẩu hiệu tuy đúng, nhưng thực hành không có kết quả mỹ mãn.
Một
lẽ nữa, cũng vì cách lãnh đạo và cách làm không đúng. Khi chúng ta muốn
lập một làng hoặc một đội kiểu mẫu, chúng ta đem cán bộ ngoài đến, để
xung phong, mà không đào tạo cán bộ ngay ở đó. Khi cán bộ xung phong
phải điều động đi nơi khác, thì làng kia hoặc đội kia lại xếp. Như cái
bong bóng, thổi hơi vào, thì phùng lên, hơi ra hết, thì xẹp xuống.
Vả
lại, chúng ta tham lam làm nhiều trong một lúc. Thí dụ: Muốn lập một
tỉnh kiểu mẫu thì thường hay dàn lực lượng ra làm cả tỉnh, không biết
định cho mỗi huyện chọn một tổng làm kiểu mẫu, mỗi tổng chọn một làng
làm kiểu mẫu. Thành thử, “ăn nhiều, nuốt không xuống”. Chúng ta không
biết tập trung lực lượng, làm xong một nơi, lấy đủ kinh nghiệm, rồi làm
nơi khác.
Vì
vậy, từ nay bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến
ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều
trong một lúc.
3. Không biết nghiên cứu kinh nghiệm đến gốc
Trong
các cuộc vận động, như tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, mùa đông
binh sĩ, v.v., chúng ta đã được nhiều thành tích rất khá. Nhưng chúng ta
không biết nghiên cứu đến nơi đến chốn, vì sao mà có thành tích khá?
Nơi nào thành tích tốt nhất? Ai là những người làm được thành tích đó?
v.v., để mà học kinh nghiệm, để mà đặt ra khuôn phép cho công việc khác.
Thành thử những cái tốt, cái hay đều không phát triển được. Và công
việc xong rồi là thôi, cán bộ không học được kinh nghiệm gì, mà cũng
không tiến bộ được mấy.
Đồng thời, chúng ta không ra sức nghiên cứu những sự khó khăn, những chỗ sai lầm, để giải quyết và sửa chữa cho kịp thời.
Thí
dụ: Nhiều cán bộ lo làm công việc của Đảng, nên phải xao nhãng công
việc gia đình của họ, thành thử cha mẹ vợ con họ không vui lòng, mà cũng
ảnh hưởng đến quần chúng. (Tuy có đôi nơi có sáng kiến, đề xướng khẩu
hiệu: “cách mạng hoá gia đình”, “cả nhà tham gia công việc kháng chiến”,
v.v.. Song toàn bộ vấn đề vẫn chưa giải quyết). Vấn đề này không giải
quyết một cách hợp lý, rất có ảnh hưởng xấu cho sự tiến tới của cán bộ.
Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại. Thí dụ:
Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói.
Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành
thử hai người đều không có thành tích.
Từ
nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải
nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó
sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới.
Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng.
4. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái
Chúng ta thường nêu vấn đề đó. Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì?
Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.
Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.
Đối
với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và
các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ,
không dám phê bình.
Thành
thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa
nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói
ra.
Họ
không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra
cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác.
Họ
không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản.
Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng
im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và
những thói xấu khác.
Kinh
nghiệm là: Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người
có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa
chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì
thào” cũng hết.
Một
người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt
vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ
phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên
thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng
khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho
soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội
vàng đi rửa mặt.
Ta
phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho
mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa.
Dân
chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ
mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó
được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác
cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc,
thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.
Một
vấn đề nữa: Chúng ta thường nói đến hai chữ sáng kiến một cách mênh
mông, không thiết thực. Như là phải có tài giỏi đặc biệt mới có sáng
kiến. Nếu ta thử hỏi: sáng kiến là gì? thì chắc nhiều người trả lời
không xuôi. Như thế mà mong cán bộ và đảng viên có sáng kiến thì sao mà
có được!
Chúng
ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều
hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết
quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của
quân thù, đó đều là sáng kiến.
Cách dạy học của đồng chí A nói trên cũng là sáng kiến.
Sáng
kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy
nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất
phổ thông, rất thiết thực.
Bất
kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu
hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có
sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người.
Chúng
ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng
viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm
tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít
nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm
hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính “gặp chăng hay chớ” ngày
càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm.
5. Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?
Nếu
chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?”, chắc
số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách
trước cấp trên”.
Câu
trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng
vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả
lời được.
Chính
phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì
cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Đó
là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên
trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và
Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía.
Chính
phủ và Đảng chẳng những làm những việc trực tiếp lợi cho dân, mà cũng
có khi làm những việc mới xem qua như là hại đến dân. Thí dụ: Quyên
tiền, thu thuế, công tác phá hoại, v.v..
Vì
cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: Vì ai mà làm, đối ai phụ
trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân
hiểu. Cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng
gia sản xuất, bình dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh,
cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một
thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng
đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng
chán!
Chúng
ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu
thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ.
Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu
rằng: Những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.
Có
khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng
cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến
nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu
cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt,
thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!
Chẳng
những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần
chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ
sai lầm đó.
Bao
nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì
cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp
với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa
lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn,
ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi
báo cáo sau, miễn là được việc.
Đằng
này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám
sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là vì thói không phụ
trách “quá hữu”, gặp sao hay vậy.
Song
lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách “quá tả” là không
suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa
lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng
chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động
khờ dại.
6. Sát quần chúng, hợp quần chúng
Cán bộ ta có hai chứng bệnh nữa là:
a) Bệnh khai hội
Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá.
Cán
bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh
khạng như “ông quan”. Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: “Tình hình
thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán”.”Ông
cán” làm cho một “tua” hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công
việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì
không động đến. Lúc “ông cán” nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người
mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!
Vì
vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì
“đi phu”. Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy
lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà
khai hội!
Về
việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu,
tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế. Không chịu khó hỏi
quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì.
Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ
tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách
làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn
thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả.
Một
việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất
cần. Tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, và câu: “Học ăn, học
nói, học gói, học mở”.
Những
việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc
kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi?
Song
những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần
chúng. Phải hỏi: Người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay
không? Có thực hành được ngay không?
Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích.
Tiếc
thay, nhiều cán bộ huấn luyện của ta chưa hiểu cái lẽ giản đơn đó. Vì
vậy mà có cán bộ đem “kinh tế học” huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê
ở thượng du!
Nói
tóm lại, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu
hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép:
“Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”.
Bất
cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn
hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng
ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách
làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng.
Nếu
không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của
mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa
giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai
cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy.
b) Bệnh nể nang
Vì
họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc họ có sai
lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ
mất lòng.
(Còn nữa)
Huyền Trang (st)
IV. TƯ CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
A. TƯ CÁCH CỦA ĐẢNG CHÂN CHÍNH CÁCH MẠNG
1.
Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn
nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung
sướng.
2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
3.
Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết
thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương.
4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không.
5.
Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của
Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước
và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
6.
Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ
với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân
chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được
dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng.
7.
Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải
khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.Nếu không vậy thì không
biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không
biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.
8.
Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng
phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy
bảo cán bộ và đảng viên.
9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.
10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài.
11.
Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư
tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự
giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
12.
Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình
đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ
hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với
Đảng.
Muốn cho Đảng được vững bền Mười hai điều đó chớ quên điều nào.
B. PHẬN SỰ CỦA ĐẢNG VIÊN VÀ CÁN BỘ
1. Trọng lợi ích của Đảng hơn hết
Ngoài
lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác.
Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải
phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hoá, chính trị của nhân
dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng.
Vì
vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định
phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải
phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục
tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết,
lên trước hết.
Vì
lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc
nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra
trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng.
Đó là “tính Đảng”. Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi
ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân
cho lợi ích của Đảng.
Khi
cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi
đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế. Vì hiểu rõ
và thực hành như thế, cho nên trong Đảng ta đã có những liệt sĩ oanh
liệt hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho Tổ quốc, mà tiếng thơm để muôn
đời. Các liệt sĩ đó đã nêu gương anh dũng cho tất cả đảng viên và cán bộ
ta bắt chước.
Nhiều
khi lợi ích của cá nhân hợp với lợi ích của Đảng. Thí dụ đảng viên và
cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc. Ham học tập để
nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân
tin, dân phục, dân yêu.
Những
lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ
như thế. Song ngoài ra, như ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt
anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng.
2. Đạo đức cách mạng
Người
đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính,
không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình
chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí
công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít,
mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm.
Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
a)
NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì
thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến
nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh
phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không
sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc
gì là việc phải họ đều làm được.
b)
NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc
gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải
lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn
thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta
phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
c)
TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch,
sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết
xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng,
biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.
d)
DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm
có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại
những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy
sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút
nhát.
đ)
LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng.
Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao
giờ hủ hoá.
Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Đó
là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là
đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà
vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Cũng như sông
thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc,
không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo
đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.
Vì
muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc
to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ
hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
3. Phải giữ kỷ luật
Lợi
ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi
ích của đảng viên. Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt
tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên.
Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có
thể thành công và thắng lợi. Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh
lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng.
Không
ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”,
lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ
xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng
là một người trong những người đại biểu của dân tộc.
Nhất
là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin
cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất
cả quần chúng noi theo.
Cũng
vì lợi ích của dân tộc, mà Đảng cần phải khuyến khích và khen thưởng
những ưu điểm và tài năng của đảng viên. Cần phải giúp cho họ học hành,
giúp cho họ làm việc và tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt,
trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc. Nói tóm lại:
Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng.
Không nên có mục đích cá nhân. Không nên vì cá nhân mà yêu cầu Đảng cái
này cái khác, hoặc trách móc Đảng không giúp đỡ mình, không khen thưởng
mình.
Đồng
thời, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra
sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn
hoá, trí thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ gìn kỷ luật. Luôn
luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên.
4. Đối với các hạng đảng viên
Đảng
ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước. Song Đảng có rất
đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào
Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng. Thí dụ: Có người
tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm
chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào, v.v.. Những người
này không biết rằng: cách mạng là một sự nghiệp gian nan cực khổ, phải
có lòng kiên quyết, có chí hy sinh.
Vì vậy khi gặp sự khó khăn, họ không khỏi dao động, hoang mang.
Dù
sao, họ tin Đảng ta, họ kính trọng Đảng ta, họ tìm vào Đảng ta, đó cũng
là một điều tốt. Trừ những bọn vào Đảng để mong phá hoại, còn những
hạng kia chúng ta đều hoan nghênh. Một khi họ đã theo Đảng thì Đảng phải
cảm hoá họ, dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ
lên dần dần. Trong sự huấn luyện và tranh đấu lâu dài, họ rất có thể
thành những người chiến sĩ khá.
Đối
với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm
khắc mà xin ra khỏi Đảng, thì Đảng vẫn bằng lòng để họ ra. Đảng chỉ yêu
cầu một điều là: Họ thề không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không
phá hoại Đảng. Như thế thì Đảng vẫn giữ cảm tình thân thiện với họ.
Đảng
viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã
hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người
cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những
tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn
tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến
nhân dân.
5. Những khuyết điểm sai lầm
Trong
Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí
công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, thí dụ những bệnh sau đây:
a)
Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình
lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”.
Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục
đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở
đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen
buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của
mình.
b)
Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết.
Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình.
Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn
tránh.
c)
Bệnh kiêu ngạo - Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta
tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc
gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng
mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình.
Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.
d)
Bệnh hiếu danh - Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham
vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê
bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết
xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch
này, uỷ viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực.
đ)
Thiếu kỷ luật - Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt
cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng.
Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì
cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với
những người mình quen thuộc.
e)
Óc hẹp hòi - Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ
người ta hơn mình. ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách
mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác
với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất
ức và mình thành ra cô độc.
g)
Óc địa phương - Bệnh này tuy không xấu bằng các bệnh kia nhưng kết quả
cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình
được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ.
Đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ
phải phục tùng ích lợi to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn
thể.
h)
Óc lãnh tụ - Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương
đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ
rồi.
Nào
có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó
chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu! Mà so với những sự nghiệp to
tát trong thế giới, càng không thấm vào đâu.
Cố
nhiên, Đảng ta mong cho có nhiều anh hùng, nhiều lãnh tụ, được dân tin,
dân phục, dân yêu. Những anh hùng và lãnh tụ như thế là của quý của
Đảng, của dân tộc. Song, những anh hùng và lãnh tụ như thế đều do tranh
đấu và kinh nghiệm rèn luyện ra, đều do dân chúng và đảng viên tin cậy
mà cử ra, chứ không phải tự mình muốn làm lãnh tụ, làm anh hùng mà được.
Từ
xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự
cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh
tụ.
Đem
so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại
anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Mỗi người
chúng ta cố làm đầy đủ những công việc Đảng giao phó cho, thế là ta làm
tròn nhiệm vụ, và lòng tự hào đó giúp cho ta tiến bộ mãi.
6. Những bệnh khác
a)
Bệnh “hữu danh, vô thực” - Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc,
chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm
được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại
thì rỗng tuếch.
Thí
dụ việc tổ chức - Trong báo cáo thì làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng
có. Hạng người nào cũng có. Có hàng vạn hàng ức người. Nhưng khi soạn
lại cặn kẽ, hỏi lại rõ ràng, nhưng nơi đó có bao nhiêu người, những tổ
chức đó đã làm việc gì, cán bộ đã đến đó mấy lần, đã làm gì cho những tổ
chức đó, thì chưa có gì thiết thực hết.
Thế
là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội
với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một
bệnh rất nguy hiểm.
b) Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa.
Từ
bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là
tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai
không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là
dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.
Bệnh
này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt
mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm
mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ.
c)
Bệnh cận thị - Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không
nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Thí dụ: việc tăng gia sản
xuất, việc tiếp tế bộ đội thì không lo đến, mà chỉ lo thế nào để lợi
dụng cơm cháy và nước gạo trong các bộ đội.
Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn.
d) Bệnh “cá nhân”
1.
Việc gì không phê bình trước mặt để nói sau lưng. Khi khai hội thì
không nói, lúc khai hội rồi mới nói. Không bao giờ đề nghị gì với Đảng.
Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. Muốn sao làm vậy.
2. Muốn làm xong việc, ai có ưu điểm cũng không chịu học theo, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình.
3. Không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình.
4.
Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải
vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí.
5.
Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác.
Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên
biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ.
6.
Gặp dân chúng thì không điều tra, không hỏi han, không tuyên truyền,
không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình.
7. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích.
8. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn.
9.
Tự cho mình là “cách mạng già”, “cách mạng cũ”; việc to làm không nổi,
việc nhỏ không chịu làm. Làm việc thì lờ mờ, học hành thì biếng nhác.
10. Biết mình có khuyết điểm, nhưng không chịu cố gắng sửa đổi.
Những
tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng
lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa
rời dân chúng.
Mắc phải bệnh đó thì dễ đi đến chỗ để lợi ích cá nhân lên trên, để lợi ích Đảng và dân tộc xuống dưới.
Một
người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích
của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của mình. Bao giờ cũng quang minh
chính trực, ham cách sinh hoạt tập thể, luôn luôn săn sóc dân chúng, giữ
gìn kỷ luật, kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”.
đ)
Bệnh lười biếng - Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu
nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó
cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó. Khi thi hành,
kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng.
Hoặc
thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn.
Kết quả nhỏ là: Nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả
nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất
thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì
tính lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng cũng như thân thể
một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy
đều khắp thân thể thì người mạnh khoẻ. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy
thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi
suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó
ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt, không biết đường nào
mà công tác.
Cách chữa:
- Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc gì đều phải chỉ bảo cách làm.
- Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để chỉ đạo cho đúng.
- Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành.
Mỗi
nghị quyết phải mau chóng truyền đến các cấp dưới, đến đảng viên, đến
dân chúng. Cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với
dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích.
-
Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận
những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó
và định cách thi hành cho đúng.
- Cấp dưới cần phải báo cáo. Cấp trên cần phải kiểm soát.
e) Bệnh tị nạnh - Cái gì cũng muốn “bình đẳng”.
Thí dụ: Cấp trên vì công việc phải cưỡi ngựa, đi xe. Cấp dưới cũng muốn cưỡi ngựa, đi xe.
Người phụ trách nhiều việc, cần có nhà rộng. Người không phụ trách nhiều việc, cũng đòi nhà rộng.
Phụ cấp cho thương binh cũng muốn nhất luật, không kể thương nặng hay nhẹ.
Làm việc gì, thì muốn già, trẻ, mạnh, yếu đều làm bằng nhau.
Có việc, một người làm cũng được, nhưng cũng chờ có đủ mọi người mới chịu làm.
Bệnh
này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng: người khoẻ
gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người
làm việc dễ thì ăn ít. Thế là bình đẳng.
Cách
chữa - Giải thích cho họ hiểu: đồng cam cộng khổ là một điều rất hay,
rất tốt. Nhất là trong lúc cái gì cũng còn túng thiếu, và mỗi đảng viên,
mỗi cán bộ cần phải làm kiểu mẫu trong sự cần lao, tiết kiệm. Nhưng
cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh. Cái gì thái quá cũng không tốt. Bình đẳng
thái quá cũng không tốt. Thí dụ: Nếu một chiến sĩ bị thương được đi xe,
ăn ngon, các chiến sĩ khác đều đòi đi xe, đòi ăn ngon . Hoặc vì bình
đẳng mà bắt buộc một trẻ em cũng ăn nhiều, cũng gánh nặng, như một người
lớn. Nếu như thế là bình đẳng, thì bình đẳng đó rất vô lý, rất xấu,
chúng ta phải kiên quyết chống lại thứ bình đẳng đó.
Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình.
Lại nói: Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta.
Nói
vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống
thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc.
Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.
Nói
về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào
lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà
không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết
điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho
mình!
Nói
về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.
Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì
đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi
tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến
bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.
Đảng
cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng
viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hoá”, tức là tự
mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”.
Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa.
g)
Bệnh xu nịnh, a dua - Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau
lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi.
Theo gió bẻ buồm, không có khí khái.
Còn bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, v.v., đã nói qua, đây không nhắc nữa.
7. Những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và tự đâu mà đến?
Khuyết điểm đâu mà nhiều thế?
Đảng
ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy
có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song
cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm
của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng.
Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa.
Mỗi
đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình,
ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa
chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê
bình.
Đá
đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết
điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày
càng trở nên người chân chính cách mạng. Đảng ngày càng phát triển.
Mong ai nấy đều phải thiết thực sửa đổi. Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang.
Trong
Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng
hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở
trong Đảng ta. Chúng ta chắc chắn đi đến thắng lợi và thành công.
Tuy
vậy, không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong Đảng
ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính
đáng, như vừa kể trên.
Cũng
như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta
dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể
giấu. Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta. Những người hăng hái
đồng tình với Đảng ta, hoặc tham gia Đảng ta. Họ chẳng những trông thấy
những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc
xấu trong Đảng. Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi ” Đảng này là Đảng tốt, đảng viên
đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như
thế nhỉ?”.
Câu
hỏi đó làm cho chúng ta càng thêm chú ý, làm cho đảng viên và cán bộ
phải cẩn thận giữ mình, và cẩn thận săn sóc, dắt dìu những người cảm
tình, những đảng viên mới, chớ để họ bị ảnh hưởng xấu. Đồng thời, chúng
ta phải trả lời cho câu hỏi đó cho đúng. Nếu không thì người ta sẽ thất
vọng và bi quan.
Trả lời thế nào?
Rất là giản đơn, dễ hiểu:
Đảng
ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy
nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có
một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v..
Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu
đó, họ mang từ xã hội vào Đảng.
Cũng
như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết
bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hơi bùn.
Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hơi
bùn, mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã
hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như
thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa.
Đảng
một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục
đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hoá những phần tử xấu, sửa chữa
những thói xấu còn lại. Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh,
khiến cho Đảng càng mạnh khoẻ, bình an.
8. Cách đối với các khuyết điểm
Vì
Đảng rất to, người rất đông; mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết,
trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau. Nhất là khi phong trào cách
mạng càng sôi nổi, hoàn cảnh càng khó khăn, thì sự khác nhau đó càng rõ
rệt, càng trở nên gay go.
Nên giải quyết những mối mâu thuẫn đó thế nào?
Có
người thì cho rằng: trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm
gì đáng lo. Có người lại cho rằng: Trong Đảng cái gì cũng kém, đầy những
khuyết điểm, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng. Hai cách nhận xét đó đều
không đúng.
Sự
thật là: Đảng ta rất tiền tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những
sự sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của
những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa. Chúng ta
quyết tâm công tác thêm, để làm cho Đảng tiến bộ thêm mãi.
Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau.
Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta.
Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó, để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ.
Bọn
thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình,
không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn
yếu ớt.
Bọn
thứ tư thì đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối
với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay.
Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó,
họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ
bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ
quan”.
Thái độ thứ năm, là thái độ đúng. Tức là:
a) Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai.
b)
Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử
không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.
c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng.
d)
Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để
giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến
bộ.
đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.
Bọn
phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì
vậy chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm
thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi
một đảng viên chân chính.
Thái
độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng,
còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp
trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau
lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn
vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày
càng chồng chất lại và phát triển ra.
Nếu
theo thái độ thứ tư thì Đảng chỉ còn một nhóm cỏn con, vì số đông sẽ bị
khai trừ hết. Mà chính những người có thái độ đó cũng bị khai trừ, vì
họ đã phạm cái khuyết điểm hẹp hòi.
Kết
luận - Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng
viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và
đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình,
thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng
ta nhất định thắng lợi.
C. TƯ CÁCH VÀ BỔN PHẬN ĐẢNG VIÊN
1. Tư cách
a) Thừa nhận chính sách của Đảng. Thực hành các nghị quyết của Đảng. Ra sức làm công việc Đảng. Nộp đảng phí.
b) Những người trí thức, công nhân, nông dân, phụ nữ, quân nhân, hăng hái yêu nước, từ 18 tuổi trở lên đều được vào Đảng.
c) Mỗi người muốn vào Đảng phải có hai đảng viên cũ giới thiệu.
- Những người bỏ đảng phái khác mà vào Đảng, phải có ba người giới thiệu, và phải được cấp trên của Đảng chuẩn y.
-
Những người rời Đảng đã lâu, mà có người làm chứng rằng, trong thời
gian đó không hề làm việc gì có hại cho Đảng, thì được trở lại làm đảng
viên.
d) Những người mới vào Đảng phải qua một thời kỳ dự bị. Nông dân và công nhân hai tháng. Quân nhân ba tháng. Trí thức bốn tháng.
đ)
Trong thời kỳ dự bị, Đảng phải dạy dỗ cho họ, và trao việc cho họ làm.
Đồng thời, Đảng phải xem xét tính nết, công tác và lịch sử của họ.
- Những người giới thiệu phải giúp đỡ họ học tập và công tác.
e) Những người dự bị phải công tác cho Đảng và nộp đảng phí.
Họ có quyền tham gia huấn luyện, đề ra ý kiến, bàn bạc các vấn đề, nhưng không có quyền biểu quyết.
Họ
cũng chưa có quyền giữ các trách nhiệm chỉ đạo như làm tổ trưởng, thư
ký, v.v.. (Trong những hoàn cảnh đặc biệt, như nơi đó mới bắt đầu có
Đảng, hoặc đại đa số đều đảng viên mới, thì không phải theo lệ này).
2. Bổn phận
a) Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc.
b) Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết.
c) Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng.
d) Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng.
đ) Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.
e) Cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hoá. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng.
D- PHẢI RÈN LUYỆN TINH ĐẢNG
Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.
Tính đảng là gì?
Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.
Phải
hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà
muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ
ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu.
Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết.
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này:
Bệnh
ba hoa, Bệnh chủ quan, Bệnh địa phương, Bệnh hình thức, Bệnh ham danh
vị, Bệnh ích kỷ, Bệnh thiếu kỷ luật, Bệnh hủ hoá, Bệnh cẩu thả (gặp sao
hay vậy), Bệnh thiếu ngăn nắp, Bệnh xa quần chúng, Bệnh lười biếng.
Mắc
phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta
phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết
những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển.
Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình.
Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình.
Tự
phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người
học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm.
Về mặt Đảng thì phải thực hành những điều sau này:
1.
Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành
những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một
đường, thi hành một nẻo.
2.
Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống
thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”.
Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục
đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến
bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng.
3.
Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục
tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp
trên, địa phương phải phục tùng Trung ương.
4.
Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự
phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng,
của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự
lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần,
kiệm, liêm, chính!”
V. VẤN ĐỀ CÁN BỘ
1. Huấn luyện cán bộ
Cán
bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho
dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng
báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng.
Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc.
Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.
Đảng
có mở những lớp huấn luyện cán bộ. Nhưng đại đa số cán bộ, hoặc bận
công việc, hoặc xa xôi quá, chưa được huấn luyện. Đối với những cán bộ
đó, Đảng cần phải tìm cách huấn luyện họ (hoặc mở lớp ở địa phương, hoặc
gửi sách vở cho họ nghiên cứu, v.v.).
Khuyết
điểm trong sự huấn luyện - Đã có nơi mở lớp huấn luyện, thế rất tốt.
Song những lớp ấy còn nhiều khuyết điểm. Thí dụ: huấn luyện cho cán bộ
trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính.
Còn dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được.
Phần đông cán bộ là công nhân và nông dân, văn hoá rất kém. Đảng chưa tìm đủ cách để nâng cao trình độ văn hoá của họ.
Huấn
luyện lý luận cho những cán bộ cao cấp, đến nay hoặc chưa làm, hoặc làm
không đúng, lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy theo cách
học thuộc lòng.
Đó là những điều Đảng nên sửa chữa ngay, theo cách sau đây:
a) Huấn luyện nghề nghiệp
Phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy.
Vô
luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ chức, tuyên truyền,
công an, v.v., cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn
ấy.
Những
cơ quan lãnh đạo và những người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán
bộ trong môn của mình, do các cấp Đảng giúp vào. Cách học tập gồm có 5
môn:
1.
Điều tra: Tình hình có quan hệ với công tác của mình. Thí dụ: Môn quân
sự, thì điều tra, phân tách, nghiên cứu rõ ràng tình hình của địch, của
bạn, của ta, chọn những điểm chính làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ.
2.
Nghiên cứu: Những chính sách, chỉ thị, nghị quyết. Thí dụ: Cán bộ về
môn tài chính, phải hiểu rõ chính sách tài chính và những nghị quyết về
tài chính của Chính phủ.
3.
Kinh nghiệm: Thí dụ: Ban tuyên truyền thì gom góp tất cả những kinh
nghiệm thành công hoặc thất bại trong công việc tuyên truyền, chép thành
tài liệu huấn luyện, cho cán bộ tuyên truyền học.
4.
Lịch sử: Thí dụ: Môn kinh tế thì đem những sự thay đổi trong nền kinh
tế của nước ta trong thời kỳ gần đây làm tài liệu huấn luyện.
5.
Khoa học: Thí dụ: Các cán bộ quân sự thì phải nghiên cứu khoa học quân
sự, cán bộ y tế phải nghiên cứu y học. Cán bộ môn nào thì nghiên cứu lý
luận của môn ấy.
Các
cơ quan lãnh đạo của mỗi môn phải gom góp tài liệu, sắp xếp cách dạy và
học, kiểm tra kết quả, sao cho cán bộ trong môn mình dần dần đi đến
thạo công việc.
b) Huấn luyện chính trị
Có hai thứ: Thời sự và chính sách.
Cách
huấn luyện thời sự là khuyên gắng và đốc thúc các cán bộ xem báo, thảo
luận và giải thích những vấn đề quan trọng, và định kỳ khai hội cán bộ,
báo cáo thời sự.
Huấn
luyện chính sách là đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những
nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính
phủ.
Huấn
luyện chính trị, môn nào cũng phải có. Nhưng phải tuỳ theo mỗi môn mà
định nhiều hay ít. Thí dụ: cán bộ chuyên môn về y tế, về văn nghệ, v.v.
thì ít hơn. Cán bộ về tuyên truyền, tổ chức, v.v., thì phải nghiên cứu
chính trị nhiều hơn.
c) Huấn luyện văn hoá
Với
những cán bộ còn kém văn hoá, thì việc huấn luyện này rất trọng yếu.
Trước hết phải dạy cho họ những thường thức: lịch sử, địa dư, làm tính,
khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và
quyền lợi người công dân.
Các bài học do một ban phụ trách sắp xếp.
Lớp học do một hoặc vài ba cơ quan tổ chức với nhau.
Những lớp đó cần phải có giáo viên luôn luôn phụ trách và giáo viên ngoài giúp việc.
Các cán bộ có thể thay phiên nhau mà đi học.
Cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt.
Những
cán bộ học trong những lớp này, phải theo trình độ văn hoá cao hay thấp
mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp.
d) Huấn luyện lý luận
Những
cán bộ cao cấp và trung cấp mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn
hoá khá, ham nghiên cứu), thì ngoài việc học tập chính trị và nghề
nghiệp đều cần học thêm lý luận.
Huấn luyện lý luận có hai cách:
Một
cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ
viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc
thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà
thôi. Thế là lý luận suông, vô ích.
Một
cách là trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh
nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính
trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và
lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực , có ích.
Lý
luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh
nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận
những kinh nghiệm đó thành ra lý luận.
Nhưng
phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình
cũng một mực bắt chước làm theo thế ấy. Thí dụ: Nghe người ta nói giai
cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét
hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng.
Trái
lại, kinh nghiệm các nước và ở nước ta đều nói: Phải gần gụi dân chúng,
vào sâu trong dân chúng. Điều này rất đúng. Ta phải kiên quyết thực
hành theo kinh nghiệm đó.
Kinh
nghiệm các nước và ở nước ta nói: Phải kiên quyết chống bệnh chủ quan,
bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Ta cũng phải kiên quyết chống những bệnh đó
vì nhận thấy ta thường mắc phải và các bệnh này rất có hại cho công tác,
rất hại cho Đảng.
Học tập - Khuôn khổ học tập, chia ra khoa học chính trị, khoa học kinh tế, khoa học lịch sử, v.v., mà học dần dần.
Học
tập thì theo nguyên tắc: Kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau. Thí
dụ: khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến
thuật làm tài liệu lý luận; lấy lịch sử và kinh nghiệm tranh đấu của
Đảng làm tài liệu thực tế.
Khoa
học kinh tế lấy “kinh tế chính trị học” làm tài liệu lý luận, lấy lịch
sử kinh tế của nước ta gần 100 năm nay làm tài liệu thực tế.
Các môn khác cũng thế.
Cách học tập: Tổ chức từng ban cao cấp hoặc trung cấp. Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào.
- Sắp xếp thời gian và bài học cho những lớp đó, phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau.
-
Vô luận công tác môn nào, lớp huấn luyện nào, đều phải tuyệt đối chống
bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Các tài liệu huấn luyện phải
do cơ quan lãnh đạo xét kỹ.
-
Cách huấn luyện này là huấn luyện lâu dài. Cho nên nguyên tắc là: để
phát triển nghề nghiệp mà không trở ngại đến nghề nghiệp và sức khoẻ của
cán bộ. ở các cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ.
Những nơi vì hoàn cảnh kháng chiến đặc biệt, thời giờ dài hay ngắn, tuỳ
theo điều kiện mà định. Những giờ học tập đều tính như những giờ làm
việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả
công tác khác mà định.
- Cách kiểm tra, thi khảo, thưởng phạt những lớp đó, do Trung ương định.
-
Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa
chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những
người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các
khoản chi tiêu trong việc huấn luyện.
2. Dạy cán bộ và dùng cán bộ
Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Vì
vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây
cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có
ích cho công việc chung của chúng ta.
Đảng
ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một
số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta càng phải quý cán bộ, phải bổ sung
cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới. Mặt trận dân tộc
ngày càng rộng, nảy nở ra hàng ngàn hàng vạn người hăng hái, tham gia
vào Đảng ta. Họ hăng hái nhưng lý luận còn thiếu, kinh nghiệm còn ít.
Trong công tác, họ thường gặp những vấn đề to tát, họ phải tự giải
quyết. Vì vậy chúng ta cần phải đặc biệt chú ý săn sóc những cán bộ đó.
Vì vậy, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp.
Đối với vấn đề đó, Đảng phải làm thế nào?
1.
Phải biết rõ cán bộ - Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách
thường xem xét cán bộ. Đó là một khuyết điểm to. Kinh nghiệm cho ta
biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài
mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra.
2.
Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Cất nhắc cán bộ là một công tác
cần kíp. Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi
quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem
người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của
họ, cũng không được việc.
Nếu
cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà
không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại.
3.
Phải khéo dùng cán bộ - Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay.
Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho
họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng
người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao.
Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì
hai người đều thành công.
4. Phải phân phối cán bộ cho đúng - Thí dụ: Trong một nơi quan trọng ở một thành thị to thì phải phái những cán bộ có quan hệ
khăng
khít với quần chúng. Họ là người trong quần chúng mà ra, có sáng kiến,
tinh thần, chắc chắn, chí khí vững vàng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng
việc.
5.
Phải giúp cán bộ cho đúng - Phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp
đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ
lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ.
6.
Phải giữ gìn cán bộ - Tại những nơi phải công tác bí mật khi cần thì
phải phái cán bộ mới thế cho cán bộ cũ, và phái cán bộ cũ đi nơi khác.
Phải tìm mọi cách để giữ bí mật cho cán bộ.
3. Lựa chọn cán bộ
a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b)
Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn
luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin
cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.
Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.
Người
lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng
lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc
không sợ khó khăn.
d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng.
Trong
Đảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng
không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không
hay nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gũi quần
chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những điểm đó.
Đã
lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực
hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù
4. Cách đối với cán bộ
Phong
trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng
ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết
với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của
họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện.
Tóm lại, đối với cán bộ có năm cách:
a)
Chỉ đạo - Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng
không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về
phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực
và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng.
b) Nâng cao - Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.
c)
Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm
tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu
điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến.
Thế là không biết yêu dấu cán bộ.
d)
Cải tạo - Khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục” giúp cho họ sửa
chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ
nghĩa”, đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Những cách quá đáng như thế
đều không đúng.
đ)
Giúp đỡ - Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ
đau ốm, phải có thuốc thang. Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết
vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ, và
sự thân ái đoàn kết trong Đảng.
5. Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ
Đảng
ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông,
thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hoá khác
nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt.
Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý mấy việc dưới đây:
Hiểu biết cán bộ, Khéo dùng cán bộ, Cất nhắc cán bộ, Thương yêu cán bộ, Phê bình cán bộ.
a) Hiểu biết cán bộ - Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ.
Đã
không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải
trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu
không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ
tốt hay xấu. Người ta thường phạm những chứng bệnh sau này:
1. Tự cao tự đại,
2. Ưa người ta nịnh mình,
3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người,
4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau.
Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông.
Muốn
biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước
hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì
cách xem xét cán bộ càng đúng.
Trong
thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì
vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến
hoá. Thí dụ: Có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách
mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng.
Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản
cách mạng.
Một
người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi.
Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm
sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn
giống nhau.
Xem
xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ.
Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả
công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ
làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang
mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hoá phản cách mạng, làm mật thám.
Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta
không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt.
Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ.
Ai
mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì
theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác,
hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng
không phải cán bộ tốt.
Ai
cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không
che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao
giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế
nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém
một chút cũng là cán bộ tốt.
Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ.
b) Khéo dùng cán bộ - Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:
1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Vì
những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao
dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với
những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố
nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh
đạo.
Thế nào là dùng cán bộ đúng?
-
Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí
công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi.
- Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa.
- Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ.
- Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt.
- Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình.
Mục
đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và
Chính phủ. Nếu cán bộ có ý hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức, hoặc
công tác không hợp, chắc không thành công được.
Vì vậy, muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm
làm việc, vui thú làm việc. Muốn như thế, phải thực hành những điểm này:
1.
Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Người lãnh đạo muốn
biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt
hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê
bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo
mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.
Nếu
cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại
tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có
gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong
Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong
lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản.
Như thế mà muốn cán bộ công tác cho giỏi thì sao được?
2.
Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Cố nhiên việc hay
hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do
cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của người không phải hoàn toàn
do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh
đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng
hoá ra tài nhỏ.
Khi
giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch
rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã
quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng
như trong quân đội, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định
rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để
cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển
tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một
cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến.
Trước
khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi,
chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn
tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác.
Nếu
không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng
vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì
vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí.
Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công.
Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng.
3. Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới.
Nếu
ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường
đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ.
Nếu
ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích
cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt
họ.
Nếu họ phê bình ta, ta phải vui vẻ thừa nhận. Không nên tỏ vẻ bất bình, để lần sau họ không dám phê bình nữa.
Nếu
có cán bộ không yên tâm làm việc, ta phải xét rõ cái chỗ lãnh đạo không
đúng của ta, để thuyết phục và khuyên gắng người đó. Nếu vì công tác
không hợp với năng lực của họ, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ
làm.
c) Phải có gan cất nhắc cán bộ - Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy.
Nếu
vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục,
mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội
với đồng bào.
Trước
khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công
tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét
cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng
với lời nói, bài viết của họ hay không.
Chẳng
những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với
người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có
nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết
khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà
phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay.
Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Cất
nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc
không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì
đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên
thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Đối với cán bộ, chẳng những
phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc. Mà sau khi đã cất nhắc phải
giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ.
Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng.
Nhưng
khoe khoang, kiêu ngạo không phải là tự trọng. Đó là một chứng bệnh. Vì
vậy, người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các
đồng chí mình.
Nếu
để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một
lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người
hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng.
Vì
vậy hễ thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay. Nếu không việc
to quá, họ làm không nổi, tốt nhất là đổi việc khác cho thích hợp với
họ, mà không cần cho họ biết vì họ không làm nổi việc kia. Đó là để giữ
lòng hăng hái của họ, để cho họ khỏi nản lòng.
d) Yêu thương cán bộ -
Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán
bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới
được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì
vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ.
Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc.
Thương
yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những
vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm
được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v..
Thương
yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy
khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan
phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm,
những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà
cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của
họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê
bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi họ, ta phải cho họ
hiểu rằng: năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công
cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại.
đ) Đối những cán bộ sai lầm- Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm.
Chúng
ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa
chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết
tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
Trừ
những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là
vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết
không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải
dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai
lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa?
Tóm lại, phải phê bình cho đúng.
Muốn
họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông
thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không
phải bị cưỡng bức mà sửa đổi.
Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.
Sửa
chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá,
dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc
to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ
mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là
không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng.
Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng.
Cách
đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách
đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn
đề cán bộ quyết định mọi việc”.
Phê
bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán
bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực
hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm./.
VI. CÁCH LÃNH ĐẠO
1. Lãnh đạo và kiểm soát
“Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”.
Câu đó nghĩa là gì ?
Nghĩa
là: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết
và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy,
ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của
đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình.
Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng.
Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”.
Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?
Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.
Lãnh đạo đúng nghĩa là:
1.
Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định
phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những
người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.
Những
người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi
của mọi người: Trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn.
Trái
lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt
khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn.
Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại.
Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng.
Giữ
chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của
dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng
lợi.
Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.
Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo.
Những
người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải
thải đi. Ngoài ra còn có hai hạng người, cũng phải chú ý:
Một
là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang
tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của
Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ.
Cần
phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để
chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của
Đảng và của Chính phủ.
Hai
là hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành,
nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông. Một thí dụ: Hôm nọ
tôi hỏi một cán bộ L:
- Mùa màng năm nay thế nào ?
L trả lời: Việc đó tôi đã động viên nhân dân rồi.
Hỏi: Rồi sao nữa ?
L trả lời: Tôi đã bày tỏ vấn đề đó một cách rất đầy đủ.
Hỏi: Rồi sao nữa ?
L trả lời: Công tác xem chừng khá.
Hỏi: Rồi sao nữa ?
L trả lời: Chắc là có tiến bộ.
Hỏi: Nói tóm lại đã cày cấy được mấy mẫu ?
L trả lời: Ở vùng chúng tôi, cày cấy hiện nay chưa đâu ra đâu cả!
Trong
Đảng ta, có một số người như thế. Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua
giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng
không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc
thực tế.
Muốn
chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được
thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm
qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.
Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi.
Song,
muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là việc kiểm soát
phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là
những người rất có uy tín.
Kiểm soát cách thế nào?
Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ.
Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát như thế:
1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu.
2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan.
3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết.
Kiểm soát có hai cách: Một cách là từ trên xuống. Tức là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình.
Một
cách nữa là từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai
lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách
này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên.
Còn
ở trong Đảng, khi khai hội, các đảng viên nghe những người lãnh đạo báo
cáo công việc, các đảng viên phê bình những khuyết điểm, cử hoặc không
cử đồng chí nọ hoặc đồng chí kia vào cơ quan lãnh đạo. Đó là kiểm soát
theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên
tắc mà Đảng phải thực hành triệt để.
Ở
quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các uỷ ban, các
hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh
đạo.
2. Lãnh đạo thế nào ?
Bất
kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: Một là liên
hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh
đạo với quần chúng.
Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng?
Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng.
Song,
nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực
tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi
đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình
đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ,
thiết thực.
Thí
dụ: Việc chỉnh đốn Đảng. Ngoài những kế hoạch chung về việc đó, mỗi cơ
quan hoặc mỗi bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan hay bộ đội
mình, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển (công việc
chỉnh đốn Đảng) trong những bộ phận đó.
Đồng
thời, trong vài ba bộ phận đó, người lãnh đạo lại chọn năm, ba người
cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư
tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ.
Người
lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó,
giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm.
Những người phụ trách trong một cơ quan hoặc một bộ đội, cũng chọn vài ba bộ phận, rồi cũng làm theo cách đó.
Đó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập.
Bất
kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực,
những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút
kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ
phận.
Mỗi cán bộ phụ trách cần phải làm theo cách này cho kỳ được.
Thế nào là liên hợp lãnh đạo với quần chúng?
Bất
kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số
người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải
mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành.
Nếu
chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng
hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết
quả mấy.
Nếu
chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm
trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ
không bền và không thể tiến tới.
Bất
kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng
hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở
giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.
Vì
vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh
đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.
Nhóm
trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy
nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có
được.
Mỗi
cuộc tranh đấu thường có ba giai đoạn, ba bước: Bước đầu, bước giữa và
bước cuối cùng. Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc tranh đấu, không
có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai
đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn
đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng
chức, hoặc hủ hoá.
Những
nơi công việc không chạy đều vì không có nhóm lãnh đạo mật thiết liên
hợp với quần chúng. Thí dụ: Trong một trường học, nếu không có một nhóm
thầy giáo, chức viên và học sinh hăng hái nhất trong trường, từ mười
người đến vài mươi người, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo, thì
công việc của trường đó nhất định uể oải.
Vì
vậy, bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người
hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm
trung kiên lãnh đạo.
*****
Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.
Nghĩa
là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó,
nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó
tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của
quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng
thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng
hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu
điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần
chúng giữ vững và thực hành.
Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.
Vì
không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung
kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên
hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra
bệnh quan liêu.
Vì
không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng,
cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không
hợp với thực tế.
Vì
không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng
(như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo
cũng hoá ra quan liêu.
Vì
vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác,
quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên
hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng.
Phải
dùng cách “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Gom góp ý
kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung.
Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại
đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi.
Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo.
*****
Bất
kỳ công tác gì, chiến tranh, sản xuất, giáo dục, kiểm soát, v.v., cơ
quan lãnh đạo cấp trên cần phải kinh qua những người phụ trách chung của
cơ quan lãnh đạo cấp dưới, mỗi khi có việc gì liên quan đến một ngành
hoạt động nào đó thuộc cấp dưới. Có như thế, mới đạt được mục đích phân
công mà thống nhất.
Không
nên một bộ phận nào đó thuộc cấp trên chỉ tìm thẳng dọc xuống bộ phận
cùng loại thuộc những cơ quan cấp dưới (như ban tổ chức cấp trên chỉ tìm
ban tổ chức cấp dưới, ban tuyên truyền cấp trên chỉ tìm ban tuyên
truyền cấp dưới, v.v.), để liên lạc chỉ đạo theo hệ thống dọc, thành thử
người phụ trách chung thuộc cơ quan cấp dưới, như thư ký, chủ tịch, chủ
nhiệm, v.v., không biết đến, hoặc không phụ trách.
Phải cho cả người phụ trách chung và những người phụ trách bộ phận cấp dưới đều biết, đều phụ trách.
Một
việc gì do người phụ trách chung chỉ huy, thì nhiều cán bộ hoặc tất cả
cán bộ đều ra làm. Như thế tránh được cái tệ cán bộ không phụ trách, mà
mọi người đều thành ra cán bộ cho công tác đó.
Đó
cũng là một cách: Người lãnh đạo liên hợp với quần chúng. Thí dụ: Việc
kiểm soát cán bộ trong một trường học. Nếu người lãnh đạo động viên số
đông hoặc tất cả nhân viên và học sinh trong trường tham gia công việc
kiểm soát, mà nhân viên trong ban kiểm tra cấp trên biết chỉ đạo đúng,
theo cách “lãnh đạo liên hợp với quần chúng”, thì việc kiểm soát nhất
định kết quả tốt.
Bất
kỳ địa phương nào, cơ quan nào, thường trong một lúc có nhiều công việc
trọng yếu. Trong một thời gian đó, lại có một việc trọng yếu nhất và
vài ba việc trọng yếu vừa. Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan
đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc
gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc
nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không
có ngăn nắp.
Đối
với mỗi địa phương, mỗi cơ quan, người lãnh đạo cấp trên cần phải xét
cho rõ tình hình, hoàn cảnh, và điều kiện cả địa phương hoặc cơ quan đó,
mà quyết định việc gì là việc chính của thời kỳ nào. Khi đã quyết định,
thì phải thực hành triệt để, cho đạt kết quả đã định.
Đó
cũng là cách “lãnh đạo liên hợp với quần chúng”, chính sách chung liên
hợp với chỉ đạo riêng. Trên đây là những nguyên tắc lớn trong việc lãnh
đạo.
Những
cán bộ phụ trách phải theo nguyên tắc đó, đường lối đó mà làm. Đồng
thời phải ra sức suy nghĩ, tìm tòi, để tăng thêm sáng kiến của mình.
Công
việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ với quần
chúng, càng phải liên hợp chặt chẽ chính sách chung với chỉ đạo riêng,
để phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy.
3. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng
Dân
chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải
học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng.
Vì
vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng
ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo
nguyện vọng của dân chúng.
Mà
muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết
tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ
không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết
lời.
Dân
chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì
làm cũng không nên. Làm việc với dân chúng có hai cách:
1.
Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. ép dân chúng
làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào
cổ dân chúng, bắt dân chúng theo.
Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: Làm như thế, họ vẫn “làm tròn nhiệm vụ”, làm được mau, lại không rầy rà.
Họ
quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc
gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân
oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính
trị, là thất bại.
2.
Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân
chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý.
Do dân chúng vui lòng ra sức làm.
Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công.
Có
người nói rằng: mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ.
Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính
phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân
dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ
vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán
bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và
Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.
Nếu
trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên, có
gì khuyết điểm, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề
nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ
trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ.
Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân.
Trái
lại việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là
không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ “mệnh lệnh” làm thành
một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi
ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ.
Có
nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để
cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân
chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ
vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả
làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn.
Làm cách đó, thì dù việc đó có lợi cho dân chúng, nhưng một là vì không có ý kiến và lực lượng của dân chúng giúp đỡ nên làm
không
đến nơi đến chốn. Hai là vì dân chúng bị miễn cưỡng, nên không vui
lòng. Ba là vì dân chúng không hiểu rõ, nên việc đó không được lâu dài,
bền vững.
Vì vậy, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng.
Có
người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi.
Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân
chúng.
Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại.
Chúng ta phải biết rằng: Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng.
Kinh
nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: Có lực lượng dân
chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì
làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách
giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to
lớn, nghĩ mãi không ra.
Kinh
nghiệm các địa phương cho biết: Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ
cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi
kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc,
nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng
biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào
dân chúng.
Muốn
dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu
khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân
chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi
cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân
chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình.
Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh.
Họ
so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và
họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy
mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết.
Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy.
Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình.
Đối
với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm
lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng
do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng.
Vì
vậy, để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc
cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý
và công bằng. Đồng thời, do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân
chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ
thêm.
Cố
nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều
tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền
tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu.
Tuy
vậy, khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau
so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán
thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỉ mỉ
từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở nên ý kiến
đầy đủ, thiết thực.
Sau
khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt, thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức
là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong
nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm
không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo
hiểm, hẹp hòi, “tả”.
Có
nhiều cách hỏi ý kiến dân chúng. Nói chuyện với từng người. Nói chuyện
với đông người. Khai hội, nói chuyện với tầng lớp này, nói chuyện với
tầng lớp khác, với mọi tầng lớp.
Nếu ta chịu khó, chịu suy nghĩ, bất kỳ nói chuyện với ai cũng có ích cho tư tưởng của ta.
Cố
nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán
bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa
là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của
các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý
kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến
đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự
giác ngộ của dân chúng. Thế gọi là: Tập trung ý kiến, ra sức thi hành.
So
đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công
việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc
đoán, mới tránh khỏi sai lầm.
Nghĩa
là: Nói chuyện và bàn bạc với cán bộ như thế cũng chưa đủ, còn phải nói
chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng. Nói
chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng cũng chưa
đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với nhân dân. Đó là một vấn đề rất
trọng yếu cho cách làm việc của Đảng.
Từ
trước đến nay, nhiều nơi công việc không chạy, chính vì cán bộ không
thực hành theo nguyên tắc đó. Nếu không làm theo nguyên tắc đó, thì dù
chính sách hay trăm phần trăm, cũng hoá ra vô dụng. Chúng ta phải kiên
quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải
kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:
1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
2.
Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách
giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt
dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị
sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức
của ta.
3.
Chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”. Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực
của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng,
theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết
thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
4.
Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập
trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần
chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề,
mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.
5.
“Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ
“trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Làm như
thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát
triển rất mau chóng và vững vàng./.
VII. CHỐNG THÓI BA HOA
1. Thói ba hoa là gì?
Chúng
ta chống bệnh chủ quan, chống bệnh hẹp hòi, đồng thời cũng phải chống
thói ba hoa. Vì thói này cũng hại như hai bệnh kia. Vì ba thứ đó thường
đi với nhau. Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi
cũng chưa khỏi hẳn.
Thói ba hoa từ đâu ra?
Vì
chúng ta trước kia học chữ Hán, sau này học chữ Pháp, cho nên khi nói
khi viết, hay dùng chữ Hán và theo cách Pháp. Thành thử dài dòng mà khó
hiểu, khó nghe. Lại cũng vì chủ quan và hẹp hòi.
Thói ba hoa tỏ ra nhiều vẻ.
a) Dài dòng, rỗng tuếch -
Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua
trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực,
mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài.
Viết
làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: Là
quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng
trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai
vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người
viết.
Trong
lúc kháng chiến này, chiến sĩ trước mặt trận phải đánh giặc, đồng bào ở
hậu phương phải tăng gia sản xuất. Ai có thời giờ đâu mà xem những bài
dài quá.
Viết
dài mà rỗng, thì không tốt. Viết ngắn mà rỗng, cũng không hay. Chúng ta
phải chống tất cả những thói rỗng tuếch. Nhưng trước hết phải chống
thói đã rỗng lại dài.
Thế những sách lý luận, hoặc cuốn sách này chẳng hạn, không phải dài sao?
Phải. Nó dài, nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch.
Tục
ngữ nói: “Đo bò làm chuồng, đo người may áo”. Bất kỳ làm việc gì cũng
phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy. Chúng ta chống là chống nói
dài, viết rỗng. Chứ không phải nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt.
Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng.
b) Có thói “cầu kỳ” - Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được.
Họ cho thế là “mỹ thuật”. Kỳ thực, họ viết, họ vẽ, để họ xem thôi.
Người
tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai
nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe,
không muốn cho người ta xem.
Nhiều
người tưởng: Mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả.
Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống
danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần
chúng hiểu sao được?
Tục
ngữ nói “gẩy đờn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song
những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là
“trâu”.
Muốn
làm bạn, phải hiểu nhau. Nếu không hiểu nhau, không thành bạn. Người
tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không
hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định
thất bại.
c) Khô khan, lúng túng -
Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ “tích cực, tiêu cực,
khách quan, chủ quan”, và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những
danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ
gật.
Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng.
Tục
ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói cũng phải học, mà
phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất
hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền
chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng
nhắc, không hoạt bát, không thiết thực.
Tiếng
ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng
Trung Quốc. Nhưng phải có chừng có mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng
tiếng ta.
Có
nhiều người có bệnh “dùng chữ Hán”, những tiếng ta sẵn có không dùng mà
dùng chữ Hán cho bằng được. Thí dụ: Ba tháng không nói ba tháng mà nói
“tam cá nguyệt”. Xem xét, không nói xem xét mà nói “quan sát”, v.v..
Nhưng
sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà
cố ý không dùng. Thí dụ: Độc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói
“đánh chơi”. Thế cũng là tếu.
Chúng
ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm.
Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả
tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu.
Chẳng
những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết
sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất
cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người
tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho
quần chúng hiểu.
Nhiều
người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại
những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi.
Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai.
d) Báo cáo lông bông -
Một là báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết
điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình
hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi
cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp.
Hai
là trong báo cáo chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c, v.v.. Không nêu rõ
vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề.
Không nói rõ tán thành hoặc phản đối.
Sao
gọi là vấn đề ? Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết,
tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc
mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu
thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là
mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết.
Gặp mỗi vấn đề, đều phải kinh qua ba bước: Đề nó ra, phân tách nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt), giải quyết nó.
Khi viết một bài hoặc khi diễn thuyết cho khỏi rỗng tuếch, cũng phải như thế.
đ) Lụp chụp cẩu thả - Những tệ kể trên, một phần vì thiếu kinh nghiệm, mà một phần vì tính lụp chụp, cẩu thả.
Một
thí dụ rất rõ ràng: Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi,
thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã
mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc
không đến nỗi có nhiều khuyết điểm.
Không
biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có
gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản
báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần.
Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu những
chữ thừa, vô ích bỏ đi.
Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy.
e) Bệnh theo “sáo cũ” - Chẳng những viết, nói, có thói ba hoa, mà huấn luyện, khai hội cũng mắc chứng đó.
Mở
lớp huấn luyện là một việc rất tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng: Học
cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích.
Vì
vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi,
về địa phương họ có thể thực hành ngay. Nhiều đồng chí ta không hiểu cái
lẽ rất giản đơn đó. Cho nên họ đã đưa “thặng dư giá trị” nhồi sọ cho
thanh niên và phụ nữ nông dân. Họ đã đưa “tân dân chủ chủ nghĩa” nhồi sọ
các em nhi đồng. Họ đã đưa “biện chứng pháp” nhồi sọ công nhân đang học
quốc ngữ.
Chỉ trong một cuộc khai hội ở địa phương, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều khuyết điểm.
1.
Kém chuẩn bị - Đảng viên đến chỗ khai hội rồi, mà cũng chưa biết vì
việc gì mà khai hội. Đến khi chủ tịch mời mọi người phát biểu ý kiến thì
quần chúng ai có sẵn ý kiến mà phát biểu ?
2.
Nói mênh mông - Thường thường đại biểu cấp trên đến khai hội với cấp
dưới, trong lúc khai hội, chỉ một mình “ông” đại biểu, hay “bà” đại biểu
nói, nói hàng hai, ba giờ đồng hồ. Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng
có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho
địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm,
thì không nói đến!
3.
Không đúng giờ - Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến. Làm
mất thời giờ của những người khác. Họ không hiểu rằng: Giữ đúng thời giờ
là một tính tốt của người cách mạng, nhất là trong lúc kháng chiến này.
4. Giữ nếp cũ - Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng khư khư giữ theo nếp cũ:
1. Tình hình thế giới.
2. Tình hình Đông Dương.
3. Báo cáo công tác.
4. Thảo luận.
5. Phê bình.
6. Giải tán.
Hiểu
biết tình hình thế giới và trong nước, cố nhiên là việc hay, việc cần.
Nhưng khổ thay! Nếu có đại biểu cấp cao đến, thì ông ấy kéo hàng giờ nào
kế hoạch Mácsan, nào xứ Paragoay, nào gì gì, mà bà con không hiểu chi
hết ! Nếu chỉ cán bộ cấp xã, thì biết đâu tình hình thế giới mà nói. Thế
mà điểm thứ nhất cứ phải là “tình hình thế giới”.
Kết quả là việc thiết thực, việc đáng làm thì không bàn đến.
g) Nói không ai hiểu -
Đảng thường kêu gọi khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá. Khẩu hiệu
đó rất đúng. Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có “hoá” gì đâu! Vẫn cứ
chứng cũ, nếp cũ đó. Thậm chí, miệng càng hô “đại chúng hoá”, mà trong
lúc thực hành thì lại “tiểu chúng hoá”. Vì những lời các ông ấy nói,
những bài các ông ấy viết, đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì
họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng.
Nhiều
tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích
và ý nghĩa rất đúng. Nhưng viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng
những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu.
Thí dụ: Vừa rồi đây, đi đến đâu cũng thấy dán những khẩu hiệu:
“Chống cô độc”
“Chống chủ quan”
“Chống địa phương”.
Nhưng
khi hỏi kỹ, thì hơn chín phần mười cán bộ cấp dưới không hiểu gì hết.
Họ nói: Cấp trên bảo dán cứ phải dán, chứ thật ra chúng tôi không hiểu.
Thậm chí có người luôn miệng đọc là “chống quan địa phương”.
Than
ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hoá ra lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó
tự ai ? Thế mà bảo “đại chúng hoá”, “dân tộc hoá” thì hoá cái gì?
Mỗi
khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng
viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân
chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu
hiệu cũng vô ích.
h) Bệnh hay nói chữ -
Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là
một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng
không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to.
Thí
dụ: Pháp và Việt gian bắt buộc đồng bào đi biểu tình, mà một tờ báo nọ
của đoàn thể viết là những “cuộc biểu tình tự động”. Dùng quân đội quét
một vùng, tiếng Trung Quốc gọi là tảo đãng, mà một tờ báo của đoàn thể
viết là “tảo đảm”. Lại có tờ viết là “tảo đảng”!
Tục
ngữ nói: “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Cái bệnh nói chữ đó đã lây
ra, đã làm hại đến quần chúng. Vì vậy, có người đã nói:
“Chúng tôi xin thông phong” (xung phong).
“Các
đồng chí phải luyến ái nhau” (thân ái nhau), v.v.. Trong một cuộc khai
hội phụ nữ, có chị cán bộ nọ lên nói: “Thưa chị em, tôi xin bá cáo kinh
nguyệt của tôi trong tháng này”.
Không,
đó không phải là những chuyện cười, đó là những chuyện thật. Những
chuyện thật đáng đau lòng, do bệnh hay nói chữ sinh ra hoặc do bệnh dốt
sinh ra.
2. Cách chữa thói ba hoa.
Trên
đây đã kể qua những chứng ba hoa. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ đều phải ra
sức sửa chữa bệnh đó. Nếu không, sẽ có hại to cho công việc của Đảng.
Sau đây là liều thuốc chữa thói ba hoa. Mọi người phải hiểu, phải nhớ, phải thực hành:
1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách.
Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.
3.
Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được.
Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi
của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai
nghe”?
4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.
5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”.
Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.
Làm
được như thế - đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế – thì thói
ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của
Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm./.
Tháng 10 năm 1947
Ký tên: X.Y.Z.