Tác giả :



Người nhấn mạnh, “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người”.

Người cắt nghĩa, Cần nghĩa là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai. Việc gì khó khăn mà siêng năng, chăm chỉ cũng sẽ làm được. Cũng giống như siêng học tập thì mau biết, siêng làm thì nhất định thành công, siêng hoạt động thì có sức khỏe. Lười biếng là kẻ địch của đức tính này, một người lười biếng sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác và ảnh hưởng đến kết quả công việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Kiệm nghĩa là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm là tiết kiệm thời gian, của cải, sức lực. Của cải nếu hết có thể làm thêm, nhưng thời gian qua đi thì không thể lấy lại được. Muốn tiết kiệm thời gian thì việc gì làm cũng phải nhanh chóng, mau lẹ, không nên nay lần, mai lữa, việc hôm nay chớ để ngày mai.

Liêm là trong sạch, không tham lam, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân”. Liêm tức là không tham lam, không địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình vì vậy mà quang minh chính đại. Chỉ có một chữ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm thì mới Liêm được.

Chính “nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là “người hoàn toàn”. Đối với mình chớ tự kiêu, tự đại, luôn cầu tiến bộ, luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những điều mình đã nói, những việc mình đã làm để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đối với người thì chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới, thái độ phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết. Đối với việc thì phải để việc nước lên trên việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.

Đặc biệt ở Hồ Chí Minh, nói luôn đi đôi với làm. Cuộc đời hoạt động của Người là tấm gương sáng ngời về Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho các thế hệ sau noi theo. Dù làm phụ bếp, đến thợ ảnh hay đến khi nắm giữ cương vị cao nhất là Chủ tịch nước, Người vẫn thực hành tiết kiệm, siêng năng làm việc và luôn đề cao nhân dân, không bao giờ đặt mình cao hơn nhân dân, xem việc gánh chức Chủ tịch nước như việc:“người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mặt trận”. Trong cuộc sống hằng ngày, Người thực hành tiết kiệm từng mẩu bút chì, từng chiếc phong bì thư. Những bài viết, những trang bản thảo được Người viết ở mặt sau của những tờ tin tham khảo của Việt Nam Thông tấn xã để tiết kiệm giấy. Để giữ sức khỏe, Người chủ trương không ăn no, và bữa cơm thường rất giản dị: “thường là dưa cà, đôi khi có thịt” và hoạt động thân thể đều đặn. Người duy trì hoạt động tập thể dục buổi sáng, buổi chiều làm vườn và không ngủ trưa để tiết kiệm thời gian

 Trong công việc, dù to hay nhỏ, việc nhất thời hay lâu dài Người đều tiến hành sắp xếp một cách khoa học, những việc cần làm trước, việc làm sau và tổ chức phân công cho cán bộ đúng người, đúng việc, đúng năng lực để công việc được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả.

Cuộc đời Hồ Chí Minh luôn luôn thực hành chữ Liêm, thấy bản thân “chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước” nên Hồ Chí Minh đã từ chối mọi danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế dành riêng cho Người. Năm 1963, khi biết tin Quốc Hội mong muốn tặng Huân chương Sao vàng cho Người, Người đã phát biểu: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc Hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc Hội, nhưng tôi xin Quốc Hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy…tôi tự xét chưa có công xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc Hội”.

 Cuộc sống của Người luôn giản dị và khi có điều kiện về nơi ăn, chốn ở, Người luôn nghĩ đến đồng bào, chiến sĩ, đến những người nghèo khổ, bệnh tật. Người được các đồng chí ở Bộ Ngoại giao công tác nước ngoài tặng cho chiếc máy điều hòa nhiệt độ, Người không dùng mà đề nghị chuyển cho các đồng chí thương bệnh binh đang điều trị tại trại điều dưỡng. Nhiều lần đi thăm địa phương, Người thường không báo trước và thường mang theo cơm nắm để tránh sự đón rước linh đình, gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Cuộc sống của Người không có chút riêng tư. Vào thăm nhà sàn của Người ai cũng phải ngạc nhiên bởi sự giản dị hết sức trong sinh hoạt của một vị Chủ tịch nước. Và trước khi đi xa, Người để lại là “muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.

Lời dạy của Bác về Cần, Kiệm, Liêm, Chính cho đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị đối với đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt đối với công chức, viên chức trẻ, thế hệ kế cận, là nguồn cán bộ thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Bộ trong tương lai, việc rèn luyện và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện theo tứ đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nhiệm vụ quan trọng, để trở thành những con người “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ bản lĩnh và tài đức để tiếp nối nhiệm vụ quan trọng được giao của cơ quan, đơn vị.

Rèn luyện đức Cần cũng chính là sự thử thách, tôi luyện bản thân qua đó mỗi công chức, viên chức trẻ khẳng định được trình độ, năng lực, mức độ xử lý công việc của bản thân. Với khối lượng công việc nhiều và tính phức tạp, nhạy cảm trong các lĩnh vực cần xử lý, công chức, viên chức trẻ cần rèn luyện cho mình đức tính siêng năng, cần cù làm việc. Bên cạnh đó, cần sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý, việc nhỏ cho đến việc lớn phải có kế hoạch và tuần tự. Rèn luyện đức tính Cần còn biểu hiện ở việc rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện công tác tham mưu chính sách, tham mưu chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.

Học tập và rèn luyện đức Kiệm đối với công chức, viên chức trẻ trước hết phải “là tiết kiệm thời gian, của cải vật chất, tinh thần cho nhân dân” như lời Người dạy. Học tập và rèn luyện đức Kiệm thực sự không quá khó khăn và cao siêu, tiết kiệm từ những việc làm hàng ngày, thường xuyên như tiết kiệm điện, tiết kiệm giấy, tiết kiệm thời gian cho bản thân và cho người khác …là những hành động thiết thực rèn luyện tính Kiệm theo lời Người dạy. Với vai trò là “người phục vụ trong nền công vụ”, là người được nhân dân trao nhiệm vụ và trực tiếp giải quyết các công việc trong nền hành chính, công chức, viên chức trẻ cần nhận thức được ý nghĩa, hiệu quả công việc được đảm nhận có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp. Giải quyết nhanh gọn trong các công việc được giao, giữ thái độ nhã nhặn, đúng mực khi tiếp xúc công dân cũng là phương pháp nhằm rèn luyện tính chuyên cần, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân.

Liêm là đức tính công chức, viên chức trẻ cũng phải rèn luyện, bởi từ bỏ lòng tham về tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức tước là việc làm rất khó. Mặt khác, khi thực hiện công vụ, người công chức, viên chức có điều kiện, được dùng các công cụ quyền lực để hỗ trợ công việc nên dễ sinh lòng tham và dễ bị cám dỗ. Tuy nhiên, để gánh vác trách nhiệm được giao, xây dựng niềm tin của người dân vào sự nghiệp phát triển đất nước, chữ Liêm cần phải rèn luyện hàng đầu. Khi thực hiện công việc không màng đến danh lợi, không cầu địa vị, chức tước thì công việc đó mới thực sự hiệu quả và sự nghiệp mà người công chức, viên chức đó theo đuổi mới vững bền. Rèn luyện chữ Liêm cũng được nhìn nhận dưới góc độ là người công chức, viên chức trẻ cần đặt công việc và mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ lên trên lợi ích cá nhân. Bởi một thực tế đặt ra đối với công chức, viên chức trẻ là các áp lực về luân lý, phải lo cho bố mẹ, cuộc sống của bản thân, gia đình và con cái khi đồng lương còn hết sức eo hẹp. Vậy nên, học tập và rèn luyện đức tính liêm khiết, trong sạch “không tham đồng xu, hạt thóc của nhân dân” là sự rèn luyện đưa lại cho bản thân những lợi ích thiết thực về việc làm giàu chính đáng, làm ra của cải, vật chất bằng chính trí tuệ, tài năng của mình.

Khi đã là “công bộc của nhân dân”, công chức, viên chức phải là người trung thực, thẳng thắn, đó là rèn luyện đức Chính. Người không có đức Chính, sẽ không hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đồng thời kết quả thực hiện nhiệm vụ không trung thực, thẳng thắn sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của Ngành. Đức Chính cần được rèn luyện thường xuyên, bởi hôm nay trung thực, ngày mai có thể biểu hiện tiêu cực khi có cơ hội dùng của công vào việc tư, dùng ân huệ, ân oán cá nhân để giải quyết công việc. Do vậy, rèn luyện chính trực, thẳng thắn mang lại cho công chức, viên chức bản lĩnh trước những “cám dỗ” của tư lợi, lợi ích cá nhân và những tiêu cực khác. Có trung thực, thẳng thắn, người công chức, viên chức không ngại va chạm, không ngại khó khăn và sẵn sàng đấu tranh cho những lệch lạc trong nền công vụ, hướng tới xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, có đủ năng lực, bản lĩnh và trình độ để gánh vác nhiệm vụ, trọng trách được giao.

Tuy nhiên, có Cần mà không có Kiệm, có Kiệm mà không Liêm hay thiếu một trong bốn đức tính kia thì người công chức, viên chức chưa thực sự là công bộc của nhân dân. Người chỉ rõ: “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ được cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên tai hại, biến thành sâu mọt của nhân dân”. Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những yếu tố quan trọng, luôn đồng hành, hòa quyện, hỗ trợ cho nhau. Việc tu dưỡng, rèn luyện tứ đức không chỉ làm hôm nay, mai nghỉ, hôm nay chăm chỉ, ngày mai lười biếng, hôm nay trung thực, thẳng thắn, ngày mai nịnh hót cấp trên, khinh thường kẻ dưới…mà tứ đức cần được rèn luyện hàng ngày, như là cơm ăn, nước uống, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Ngày hôm nay, thế hệ công chức, viên chức được sống trong điều kiện đất nước hòa bình và đổi mới. Theo gương Bác, theo lời Bác dạy, toàn thể công chức, viên chức đang không ngừng phấn đấu học Tứ đức để thành người “hoàn toàn”, rèn Tứ đức để là người yêu nước, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao chất lượng phục vụ trong nền công vụ, nâng cao tín nhiệm của người dân đối với bản thân, để thực sự là “công bộc” của nhân dân, được nhân dân giao phó.
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

Truy cập tháng: 7,849

Tổng truy cập:24,331

Copyright © 2020, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 1, Võ Văn Ngân, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (+84.8) 3896 8641 - (+84.8) 3896 1333

Email: ptchc@hcmute.edu.vn